Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

XỬ PHẠT SAI PHẠM TRONG KINH DOANH GAS CHƯA ĐỦ SỨC RĂN ĐE

Thời gian qua, báo chí đề cập nhiều đến tình trạng gas giả, chiếm dụng bình gas, san chiết gas trái phép, nhái nhãn mác, lừa bán gas thiếu trọng lượng cho người tiêu dùng… gây tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, đến thị trường, đến sản xuất kinh doanh, gây thất thu thuế cho nhà nước và đe dọa tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Thế nhưng trên thực tế, việc quản lý, giám sát đối với mặt hàng này hiện nay gần như bị bỏ ngỏ, cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong việc giải quyết, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe…
 
Thực tế cho thấy, thời gian qua, cơ quan chức năng đã “bắt tận tay” không ít các trường hợp sai phạm trong hoạt động kinh doanh gas như kinh doanh không có đăng ký, không có giấy phép, chiếm dụng bình gas, làm bình gas giả, san chiết gas lậu… gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính. 



Các loại vỏ bình gas bị chiếm dụng trái phép bị Công an TPHCM và lực lượng QLTT bắt giữ tại Công ty Đông Phương.


Thế nhưng việc giải quyết các vi phạm chưa thực sự nghiêm minh, mức xử phạt lại quá nhẹ không đủ sức răn đe. Điển hình là vụ vi phạm mới đây của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Cơ khí Đông Phương (huyện Hóc Môn, TPHCM). Vào cuối tháng 2-2011, qua kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM và Công an huyện Hóc Môn đã phát hiện Công ty Đông Phương sản xuất và gia công hoán cải bình gas bất hợp pháp cho một số đơn vị. Qua khám xét cho thấy, trong kho hàng công ty này có gần 2.000 vỏ bình gas mang các thương hiệu như Total, Sài Gòn Gas, Vinagas... và nhiều vỏ bình khác đã bị mài mòn chữ nổi. Trong kho cũng có nhiều vỏ bình của Sài Gòn Gas bị đốt, bị tháo van... 

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, căn cứ điều 50 Nghị định 107/2009/ NĐ-CP ngày 26-11-2009 quy định về việc kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng  của Chính phủ thì việc Công ty Đông Phương chiếm giữ, gia công, hoán cải các vỏ bình gas thuộc sở hữu của các công ty gas thành vỏ bình gas cho các tổ chức, doanh nghiệp khác không được quyền sở hữu là trái pháp luật, có dấu hiệu tội phạm cần phải được các cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm minh. 

Thế nhưng trong Quyết định xử phạt hành chính số 193/QĐ-XPHC, ngày 13-6-2001, cơ quan chức năng huyện Hóc Môn chỉ xử phạt hành chính Công ty Đông Phương 2 triệu và trả lại các bình gas đã bị phá hủy cho Công ty Đông Phương là không hợp lệ. Căn cứ Nghị định 107/ 2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, Công ty Đông Phương và các tổ chức, cá nhân đã chiếm hữu bất hợp pháp các vỏ bình gas này, nên đây chính là tang vật, là căn cứ xác định dấu hiệu phạm tội của các đối tượng vi phạm. 

Việc trả lại các bình gas đã bị chiếm hữu bất hợp pháp là trái pháp luật. Sự kiện này ngay lập tức gây bất bình trong dư luận và Hiệp hội Gas Việt Nam ngay lập tức đã có văn bản kiến nghị phản đối quyết định xử phạt này. Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, các vỏ bình gas bị Công ty Đông Phương chiếm giữ trái phép để phá hủy và hoán cải là tài sản của nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas, trong đó có các công ty liên doanh (có yếu tố nước ngoài), vì vậy Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc đến Chi cục Quản lý thị trường và Công an TPHCM để giải quyết theo thẩm quyền.

Về việc bồi thường thiệt hại, Hiệp hội Gas VN cho rằng,  Quyết định xử phạt hành chính số 193/QĐ-XPHC ngày 13-6-2011 của Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn chưa nêu rõ việc bồi thường cho các công ty gas bị thiệt hại do hành vi vi phạm của Công ty Đông Phương và các tổ chức, cá nhân đã chiếm giữ vỏ bình gas bất hợp pháp (tức các đơn vị thuê Công ty Đông Phương gia công, hoán cải) gây ra. Vì vậy, Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn yêu cầu các đối  tượng phá hủy, hoán cải vỏ bình gas phải bồi thường thiệt hại cho các công ty gas, tức là bồi thường cho chủ sở hữu hợp pháp các vỏ bình gas đã bị chiếm giữ, phá hủy. 

Cũng theo Hiệp hội Gas VN, biện pháp xử lý hành chính đối với Công ty Đông Phương nêu trong quyết định chưa rõ ràng và không khả thi. Việc đình chỉ hoạt động kinh doanh sửa chữa, bảo dưỡng vỏ bình gas của Công ty Đông Phương cũng không nêu rõ thời hạn cụ thể. Vì vậy, Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn quy định rõ ràng, cụ thể thời hạn đình chỉ hoạt động kinh doanh sửa chữa, bảo dưỡng vỏ bình gas của Công ty Đông Phương.
Lãnh đạo của Chi hội Gas miền Nam cho rằng chính sự dung túng, nhẹ tay với đối tượng vi phạm nêu trên đã dẫn tới nạn gian lận, chiếm dụng vỏ bình và kinh doanh gas giả tràn lan như hiện nay. Như chúng ta đã biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh gas, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt các quy định về hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh gas. Tuy nhiên, tình trạng san chiết gas trái phép vẫn ngang nhiên hoành hành gây ảnh hưởng xấu đến thị trường, gây thất thu thuế cho nhà nước và ảnh hưởng tới quyền lợi, tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng… 

Trong khi đó, biện pháp chế tài khi xử lý các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh san chiết gas trái phép lại không đủ sức răn đe, số lượng vụ án được khởi tố điều tra truy tố xét xử rất thấp. Thông thường khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính qua loa, mang tính hình thức, ví như mức phạt 2 triệu đồng/1 vụ vi phạm nêu trên không là gì so với lợi nhuận quá lớn từ những bình gas giả mang lại. Những người vi phạm chỉ cần bán vài bình gas trong một thời gian ngắn là đủ tiền nộp phạt rồi lại tiếp tục hoạt động với những sai phạm liên tiếp xảy ra sau đó. Đây cũng chính là hồi chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện xử lý nghiêm khắc hơn đối với các vụ vi phạm, cần phải xây dựng một chế tài đủ mạnh để nhằm xử lý tận gốc tình trạng này, góp phần bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
S.NÂU (SGGP 6-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét