Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

PETROVIETNAM & SAIGONPETRO GIẢM GIÁ GAS, CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI NGƯỜI DÂN

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 10-2-2012)
   Hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Gas VN và thực hiện chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, chiều ngày 9-2-2012, hai thương hiệu gas chiếm thị phần chi phối trên thị trường là Petrovietnam Gas và Saigonpetro Gas đã chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, quyết định giảm giá bán gas kể từ 7h30 sáng ngày 10-2-2012 với mức giảm từ 10-12 ngàn đồng/bình 12 kg.
Giá gas quá cao, đời sống người dân thêm khó. Ảnh: Thanh Tâm
HIỆP HỘI GAS VIỆT NAM VÀO CUỘC
  Như báo chí đã đưa tin, do giá gas trên thị trường thế giới tăng mạnh (tăng thêm 145USD/tấn) nên kể từ 1-2-2012, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã nâng giá bán thêm 42.000 đồng/bình 12kg. Đây được xem là thông tin khiến người tiêu dùng choáng váng vì chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng, giá gas trong nước đã tăng thêm tới 74.000 đồng/bình 12kg, với mức tăng sốc nêu trên, hiện nay giá bán lẻ 1 bình gas 12 kg đến tay người tiêu dùng đã lên tới 425.000-428.000 đồng (tùy thương hiệu) .
 Giải thích nguyên nhân khiến giá gas có mức tăng nhảy vọt này, ông Nguyễn Sỹ Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Gas VN cho biết: Sở dĩ giá gas bán lẻ tăng cao là do tháng 2/2012, giá gas trên thị trường thế giới đã tăng thêm 145 USD/tấn, đẩy giá bán của mặt hàng này lên mức cao nhất từ trước đến nay là 1.025 USD/tấn. Cũng theo ông Nguyễn Sĩ Thắng, về quy luật vào tháng 2 hàng năm, giá gas thường có mức tăng cao nhất. Lý do thời gian này là mùa đông, nên nhu cầu sưởi ấm và giá gas trên thị trường thế giới tăng rất cao.
  Để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm giá bán gas và chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, ngày 3-2-2012, Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống 2%, thay vì mức 5% như hiện hành. Theo ước tính của Hiệp hội Gas, nếu mức thuế nhập khẩu gas giảm theo mức đề xuất, giá bán lẻ của khí đốt này có thể giảm khoảng 10.000 đồng/bình 12 kg. Bên cạnh đó, Hiệp hội Gas kêu gọi các doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí để giảm giá gas và kêu gọi các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường cần phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc tăng giá bán một cách vô tội vạ ở các đại lý cửa hàng kinh doanh gas, khiến cho thị trường gas trở nên hỗn loạn, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng…
DOANH NGHIỆP CHẤP NHẬN GIẢM LỢI NHUẬN ĐỂ GIẢM GIÁ BÁN
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Gas VN và thực hiện chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, chiều ngày 9-2-2012, hai thương hiệu gas chiếm thị phần chi phối trên thị trường là Petrovietnam Gas và Saigonpetro Gas đã chính thức có thông báo giảm giá bán lẻ. Theo đó, kể từ lúc 7h30 sáng ngày 10-2-2012, Saigonpetro Gas sẽ giảm 10.000đ/bình 12kg (giá 1 bình gas 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ là 415.000đ). Còn Petrovietnam Gas có mức giảm 12.000đ/bình 12 kg (giá 1 bình gas 12kg mang thương hiệu Petrovietnam Gas đến tay người tiêu dùng sẽ có giá là 416.000đ).
  Bà Lê Thị Anh Mẫn-Phó Giám đốc Saigonpetro cho biết: mặc dù giá gas đã nhập về với mức cao, nhưng thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM và lời kêu gọi của Hiệp hội Gas VN, Saigonpetro chấp nhận giảm lợi nhuận, chập nhận lỗ chút ít để cùng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Cùng theo bà Lê Thi Anh Mẫn, tình trạng các đại lý tùy tiện tăng giảm giá bán gây rối loạn thị trường như hiện nay, một phần là do doanh nghiệp đầu mối dành mức chiết khấu cho đại lý nhiều hay ít. Nếu mức chiêt khấu ít thì họ tăng giá cao hơn giá công bố, còn mức chiết khấu cao thì họ lại tùy nghi giảm giá khiến thị trường loạn giá. Vì vậy ngành chúc năng cần phải xử lý nghiêm khắc đối với tình trạng này. Các doanh nghiệp đầu mối cần phải minh bạch các chi phí và giá bán, phía các cửa hàng đại lý thì cần phải tuân thủ nghiêm túc mức giá đã được doanh nghiệp đầu mối công bố và đăng ký với cơ quan nhà nước.
  Đề cập vai trò và trách nhiệm của mình, thanh tra Sở Tài chính TP HCM và Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cũng có biết, họ đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát sát sao hoạt động kinh doanh các mặt hàng xăng dầu, gas trên địa bàn, nếu doanh nghiệp nào vi phạm về giá bán sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. Về phía người tiêu dùng cũng cần phải biết cách tự bảo vệ mình, nếu phát hiện cửa hàng, đại lý gas nào đó bán cao hơn giá công bố thì cần nhanh chóng báo cho lực lượng quản lý thị trường biết để lập biên bản xử lý, có như thế chúng ta mới có thể khắc phục được tình trạng các cửa hàng, đại lý tùy tiện tăng giá bán gas, gây hỗn loại thị trường và gây thiệt thòi cho người tiêu dùng như hiện nay.
Box
  Không như giá xăng dầu, Nghị định 107/QĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tức LPG hay còn gọi là gas (có hiệu lực thi hành từ 2010) hoàn toàn cho phép doanh nghiệp tự định đoạt giá bán gas. Tuy nhiên, muốn tăng giá bán thì doanh nghiệp phải giải thích lý do tăng giá và phải gửi thông báo giá bán mới đến cơ quan quản lý nhà nước. Cơ sở nào để doanh nghiệp quyết định giá bán gas phần lớn phụ thuộc vào giá gas trên thị trường thế giới (chủ yếu từ khu vực Saudi Arabia), thường gọi tắt là giá CP. Giá gas của thị trường thế giới được công bố vào ngày cuối mỗi tháng để định giá gas cho tháng sau. Từ giá CP này, các công ty trong nước sẽ cộng thêm các khoản thuế, chi phí vận chuyển, chênh lệch tỷ giá và khấu hao vỏ bình... để hình thành nên giá bán mới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét