Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

*LÀM THẾ NÀO ĐỂ ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG GAS?

  Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 5-3-2012)
   Là loại nhiên liệu dùng để đun nấu nên nhiều năm trở lại đây, mặt hàng gas đã trở thành mặt hàng phổ biến và thiết yếu trong đời sống nhân dân. Những biến động của mặt hàng này thường gây ra những tác động xấu, làm cho cuộc sống người dân ngày càng thêm khó khăn, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay. Cũng chính bởi điều này nên trước sự biến động, tăng giá quá cao của mặt hàng gas, ngày 2-3-2012 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2012/TT-BTC quyết định giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống còn 0%. Ngay sau khi có quyết định này, các doanh nghiệp gas cũng đã đồng loạt thông báo giảm giá bán gas 16.000 đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là động thái giải quyết tức thời, là liều thuốc hạ nhiệt trước mắt giúp cho thị trường gas không lên cơn sốt quá cao mà thôi. Vấn đề lâu dài vẫn phải tìm giải pháp căn cơ để ổn định thị trường gas, giúp cho thị trường gas phát triển một cách bền vững và lành mạnh.
BÀI 1:
KHI THỊ TRƯỜNG HỖN LOẠN…

 Sự bỏ ngỏ quản lý, giám sát đối với hệ thống phân phối gas là một trong những nguyên nhân làm rối loạn thị trường

HỖN LOẠN TỪ HỆ THỐNG PHÂN PHỐI…
  Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có 27 doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu gas và khoảng 100 đơn vị kinh doanh gas, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài. Về hệ thống phân phối (đại lý, cửa hàng bán lẻ…), riêng tại địa bàn TPHCM con số chính thức thống kê đươc cũng đã có tới 1.700 giấy phép cửa hàng bán gas (chưa kể rất nhiều cửa hàng bán lẻ gas nhưng không có giấy phép). Theo Nghị định 107/QĐ-CP của Chính phủ, việc kinh doanh gas phải được thiết lập theo hệ thống phân phối như kinh doanh xăng dầu. Tức là các tổng đại lý kinh doanh gas chỉ được treo biển hiệu, logo của một thương nhân kinh doanh gas đầu mối mà mình làm tổng đại lý, hay đã ký hợp đồng làm đại lý. Thế nhưng trên thực tế hiện nay, các tổng đại lý và đại lý bán gas đã không thực hiện quy định đó, ngược lại họ treo nhiều biển hiệu và bán rất nhiều loại gas khác nhau. Chính sự bỏ ngỏ quản lý giám sát đối với hệ thống phân phối gas là một trong những nguyên nhân làm rối loạn thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh gas thừa nhận, họ chỉ công bố giá xuất xưởng chứ không quản lý được giá bán đến tay người tiêu dùng.
   Hiện tượng các tầng nấc trung gian, tranh mua, tranh bán phổ biến hiện nay là hệ lụy của việc chưa xây dựng và quản lý được hệ thống phân phối, khiến DN kinh doanh không quản lý được giá bán đến tay người tiêu dùng.  Vì vậy, khi giá gas biến động, biên độ tăng, giảm càng lớn thì thị trường càng hỗn loạn, người tiêu dùng thiệt hại đã đành, các doanh nghiệp cũng bị thiệt hại nặng về kinh tế. Bởi lẻ khi giá gas lên thì DN bị các đại lý đầu cơ gom hàng giá rẻ để sau đó bán với giá mới cao hơn. Còn khi giá xuống thì DN không bán được hàng, buộc phải bán với giá mới thấp hơn với những hàng giá cao từ trước đó.
Một cửa hàng bán gas tại quận Bình Thạnh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: KIM NGÂN
   Theo các DN kinh doanh gas, họ đang phải chịu áp lực rất lớn do phụ thuộc, bị chi phối từ hệ thống phân phối, nhưng vì cạnh tranh rất gay gắt, DN thường phải tìm mọi cách để lôi kéo hệ thống phân phối về phía mình. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao mà các cửa hàng, đại lý gas hiện nay không thực hiện nghiêm các quy định theo Nghị định 107/QĐ-CP của Chính phủ, họ có thể bán cho rất nhiều hãng gas khác nhau, và điều đó cũng có nghĩa là hệ thống phân phối trên thị trường gas hiện nay có thể hiểu là của chung các DN kinh doanh gas, hoặc cũng có thể hiểu là chẳng của ai cả, chẳng ai quản lý…  
   Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, hợp đồng kinh doanh với các đại lý đều có ghi rất rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi bên, trong đó có yêu cầu giá bán phải được ấn định theo giá các DN đầu mối công bố, nếu không thực hiện sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt như cảnh cáo, ngừng cung cấp hàng, điều chỉnh kịp thời để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng... Nếu làm đúng theo hợp đồng thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng hiện nay các DN gas đều không làm tốt khâu kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với các đại lý, mỗi lần thay đổi về giá hoặc chính sách, các đại lý, cửa hàng bất tuân thì cũng phớt lờ, không có biện pháp gì.  Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu mối hiện chỉ quản lý được các đại lý hệ thống (đại lý cấp I) và hệ thống bán lẻ trực tiếp. Còn các đại lý tự do, kinh doanh nhiều loại của nhiều hãng khác nhau thì rất khó quản lý.
   Bộ Thương mại đã từng có văn bản gửi các công ty kinh doanh đề nghị lành mạnh hóa các hoạt động kinh doanh gas bằng cách mỗi cửa hàng, đơn vị chỉ được bán một loại bình và niêm yết công khai giá bán. Thậm chí, một số khu vực còn ngừng cấp giấy phép kinh doanh gas để hạn chế tình trạng san chiết lậu. Tuy nhiên, việc quản lý mạng lưới hoạt động kinh doanh gas vẫn đang là một thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có trách nhiệm không nhỏ của lực lượng quản lý thị trường.
CHO ĐẾN HỖN LOẠN GAS GIẢ, HỖN LOẠN GIÁ BÁN …
   Có thể nói, sự hỗn loạn, bát nháo của hệ thống phân phối là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho thị trường gas trong nước thường xuyên biến động và giá của mặt hàng này liên tục nhảy múa. Thực tế thời gian gần đây cho thấy, mặt hàng gas là mặt hàng tăng giá kinh khủng nhất. Chỉ cần tính trong một thời gian ngắn từ tháng 1-2012 đến nay, gas đã 3 lần tăng giá với tổng mức tăng là 126.000 đồng, mức tăng này đã đẩy giá bán lẻ hiện nay lên 461.000 - 465.000 đồng/bình 12 kg. Tuy nhiên, mức giá này chưa hẳn đã đứng yên, khi đến tay người tiêu dùng, nhiều cửa hàng, đại lý bằng nhiều lý do khác nhau vẫn còn tiếp tục “giở trò” tăng thêm giá bán. Mặc dù doanh nghiệp đầu mối đã đăng ký giá bán với cơ quan quản lý nhà nước và mức giá ấy đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng trên thực tế, người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn có khi vẫn phải trả cao hơn mức giá đó từ 20.000-30.000 đồng/bình 12kg.
   Lý do mà các đại lý đưa ra thường là chiết khấu quá thấp, hoa hồng không đủ chi phí cho công tác bán hàng nên họ buộc phải tăng thêm giá bán.  Còn các doanh nghiệp đầu mối thì lại cho rằng mình không thể quản lý được các đại lý. “Nếu làm khó, đưa quy định ra bắt họ thực hiện thì họ sẽ bỏ mình ngay, không bán hàng của mình nữa”-đại diện một doanh nghiệp nói. Ông này cũng cho biết, vấn đề còn lại là của lực lượng quản lý thị trường và người tiêu dùng. Người tiêu dùng khi bị bán quá giá công bố thì phải thông tin ngay cho doanh nghiệp đầu mối và quản lý thị trường biết để lực lượng này có cơ sở xử phạt đối với các đại lý tự ý tăng giá. Thế nhưng lực lượng quản lý thị trường hiện nay vẫn chưa quản lý được vấn đề này, trong khi đó ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng hiện nay cũng chưa cao, chưa quyết liệt đối với những trường hợp vi phạm vì sợ phiền, ngại va chạm… Và như vậy vô hình chung giá gas cứ mặc sức mà nhảy múa, nhất là khi giá thế giới biến động.
  Một vấn đề nữa cũng cần phải đề cập ở đây là: tình trạng hỗn loạn vô tổ chức, thiếu quản lý trong hệ thống phân phối gas cũng  đã dẫn đến tình trạng tràn lan gas giả, làm bình gas giả gia tăng. Thực tế cho thấy, những bình gas bị chiếm dụng và san chiết trái phép thường bị thiếu trọng lượng từ 1 - 2kg. Một trạm chiết gas trái phép 100 tấn/tháng, mỗi bình gas thiếu 1kg thì số tiền kiếm lời bất chính đã lên đến xấp xỉ 100 triệu đồng. Con số đó sẽ là rất lớn ở những trạm san chiết gas trái phép lên đến 300 - 500 tấn/ tháng với số lượng thiếu hụt mỗi bình là 2kg. Ngoài ra chưa kể đến việc trốn thuế và chiếm đoạt thuế VAT. Vì giá bán gas hiện nay đã bao gồm thuế VAT mà người tiêu dùng đã nộp, khi san chiết gas trái phép, không có chứng từ hóa đơn thì số thuế này đã bị chiếm dụng. Theo tính toán, với khoảng 20% trong số 6 triệu bình gas hiện nay đang trôi nổi trên thị trường, bị chiếm dụng san chiết trái phép thì mỗi năm nhà nước đã thất thu thuế VAT khoảng 83 tỷ đồng. Vì nguồn lợi nhuận lớn mà rất nhiều cá nhân đã bất chấp nguy hiểm để san chiết gas trái phép.
Việc sử dụng những bình gas san chiết trái phép của các đại lý, nhà phân phối vi phạm các quy định kinh doanh, gây thất thu thuế cho nhà nước, phía người tiêu dùng cũng sẽ bị nhiều thiệt hại khi sử dụng chai gas san chiết nạp lậu: như chai san chiết nạp lậu thường thiếu gas, chai không được kiểm tra bảo dưỡng trước khi nạp nên kém an toàn, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng...
BÀI 2:
“THUỐC” NÀO CHỮA TRỊ BỆNH TRẦM KHA?
Nguyễn Thu Tuyết
Theo các chuyên gia, nếu thực hiện tốt 3 giải pháp dưới đây thì thị trường gas mới có cơ sở, nền tảng tốt để giữ được sự ổn định và phát triển một cách bền vũng…
MẠNH TAY CHẤN CHỈNH HỆ THỐNG PHÂN PHỐI, ỔN ĐỊNH MỨC CHIẾT KHẤU
   Theo Nghi định 107/CP của Chính phủ về kinh doanh khí hóa lỏng (gas), thì gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, rất nhiều cửa hàng đại lý bán gas hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, vì vậy để chấn chỉnh hệ thống phân phối gas, trước hết các đơn vị liên quan cần phải tuân thủ nghiêm nghị định nêu trên của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác chế tài xử phạt trong quản lý hệ thống phân phối gas cũng cần phải thực hiện nghiêm. Nhiều đại lý, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng thông qua việc làm gas giả, san chiết trái phép, tăng giá bất hợp lý nhưng biện pháp xử phạt chỉ vài chục triệu đồng nên không đủ sức răn đe, vì vậy cần phải mạnh tay hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm, sẵn sàng truy tố trước pháp luật, đưa ra tòa các trường hợp vi phạm để làm gương.
   Một vấn đề nữa cần phải giải quyết trước mắt đó là ổn định mức chiết khấu cho các đại lý. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, mức chiết khấu, hoa hồng mà các doanh nghiệp đầu mối chi cho các đại lý khác nhau. Có doanh nghiệp chi cao, nhưng có doanh nghiệp chi thấp. Điều này khiến cho các đại lý tùy cơ tăng giảm giá bán. Nếu như doanh nghiệp đầu mối để lại mức chiết khấu thấp thì đại lý họ sẽ tự động nâng giá bán và ngược lại. Đây cũng chính là lý do vì sao mà hầu hết các chuyên gia và các cơ quan chức năng đều có chung nhận định là: muốn kiểm soát để giá không tăng một cách vô lý thì việc chấn chỉnh hệ thống đại lý là hết sức quan trong. Các doanh nghiệp phải bình ổn được mức chiết khấu, hoa hồng thì may ra mới ổn định được thị trường gas.  Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải cắt bớt khâu trung gian, các khâu không cần thiết để ổn định mức chiết khấu để kiểm soát các đại lý không được tùy cơ tăng giá bán.  Hiện nay xuất hiện tình trạng các cửa hàng đại lý ép doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn được các đại lý bán hàng thì phải nâng mức chiết khấu để "ưu đãi" cho các đại lý, ngược lại sẽ bị chèn ép, không tiêu thụ được hàng. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý nhà nước nên cho phép cấp phép mở rộng đại lý cho doanh nghiệp đầu mối. Như vậy, đại lý của doanh nghiệp mới quản được đại lý tự do trong khi cạnh tranh.  Ngoài ra, để ổn định mức chiết khấu, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải làm rõ lợi nhuận của doanh nghiệp, những chi phí bất hợp lý cần phải xem xét lại, bắt buộc bán đúng giá quy định, nếu vi phạm phải xử lý ngay.
THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN GIÁ
  Hiện nay giá gas tại Việt Nam phụ thuộc vào các yếu tố sau: Giá CP, chi phí sản xuất, quản lý, kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; thuế nhập khẩu và tỉ giá. Giá CP (Contract Price) hay còn gọi là giá thế giới, là đơn giá cho một tấn LPG (Gas) do Công ty Aramco của Ả Rập Xê Út công bố vào đầu mỗi tháng và được áp dụng cho cả tháng.  Thống kê năm 2011 cho thấy, tổng nhu cầu gas cả nước khoảng 1,24 triệu tấn, trong đó tỉ lệ gas nhập khẩu chiếm 54%, số còn lại là do trong nước sản xuất. Hiện giá gas trong nước (từ nguồn nhà máy xử lý khí Dinh cố và từ nhà máy lọc dầu Dung Quất) theo chỉ đạo của Chính phủ, được áp theo giá nhập khẩu và đấu giá công khai. Việc làm này đảm bảo sự minh bạch của DN Nhà Nước và sòng phẳng theo cơ chế thị trường.
 Để tìm giải pháp đối phó giá gas tăng đột biến, mới đây, Sở Công thương TPHCM đã có cuộc gặp gỡ các DN đầu mối gas nhằm bàn luận việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường mặt hàng gas trong năm 2012. Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết chương trình sẽ tạo điều kiện tối đa cho DN tham gia bình ổn. Khi tham gia, các DN sẽ được hỗ trợ trong việc quy hoạch xây dựng kho chứa, điểm chiết nạp, vốn vay theo nguồn vốn kích cầu cũng như hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối...
Một biện pháp nữa mà cơ quan chức năng đang tính tới là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá gas. Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia bình ổn phải cam kết giữ giá ổn định từ 3 đến 6 tháng (bắt đầu từ 1/4), tức bằng hoặc thấp hơn giá bán trên thị trường.  Trong trường hợp giá nguyên liệu đầu vào tăng 5-10%, doanh nghiệp đăng ký lại giá bán với Sở Tài chính để Sở thẩm định và chấp thuận bằng văn bản. Các doanh nghiệp tham gia sẽ có quyền lợi được thành phố hỗ trợ quy hoạch xây kho tồn chứa hay vay vốn kích cầu để đầu tư hệ thống
Trước mắt, để hạn chế tình trạng loạn giá gas các doanh nghiệp, nhà phân phối cần thông báo giá nhập, giá giao cho các đại lý hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, tính toán tới việc hợp lý hoá các khoản chiết khấu để có thể bình ổn giá gas. Việc cấp phép và quản lý các đại lý sẽ được sở kiến nghị UBND thành phố xem xét lại.
ĐẦU TƯ LỚN CHO HẠ TẦNG, KHO CHỨA
   Số liệu từ Hiệp hội Gas VN cho thấy, nhu cầu tiêu thụ LPG tăng nhanh chóng: năm 1991 nhu cầu LPG cả nước 50.000 tấn, năm 2000: 400.000 tấn và năm 2010: 1,2 triệu tấn, năm 2011: 1,24 triệu tấn. Dự báo năm 2015 nhu cầu sử dụng LPG cả nước khoảng 1,5 triệu tấn và năm 2020 đạt 2 triệu tấn. Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu gas, những năm gần đây thị trường gas trong nước cũng thường xuyên biến động với mức giá bán lẻ liên tục thay đổi với chiều giá ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến giá gas liên tục biến động. Trong đó nguyên nhân chính do thị trường gas trong nước vẫn phụ thuộc vào thị trường gas thế giới.  Hiện nay, sản lượng gas trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường (nguồn sản xuất từ Nhà máy Khí Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), 50% còn lại phải nhập khẩu. Do đó, giá gas trong nước luôn thay đổi, biến động theo giá thế giới.
   Một nguyên nhân quan trọng khác là khả năng dự trữ gas của các doanh nghiệp Việt Nam còn kém. Hệ thống kho chứa LPG ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế. TS Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, toàn quốc hiện có 31 kho LPG, nhưng sức chứa chỉ đạt từ 500 – 4.000 tấn/kho (chỉ có 4 kho sức chứa trên 3.000 tấn). Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh LPG ở Việt Nam không chủ động được nguồn hàng, khi gas rẻ không trữ được nhiều và cũng không có khả năng nhập khẩu trực tiếp với khối lượng LPG lớn từ các nguồn như Trung Đông, Australia…, hiện chỉ có thể mua lại LPG của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore... Đây là điểm yếu lớn nhất của thị trường LPG ở Việt Nam
   Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các kho chứa quy mô lớn rất cần được nhà nước và các bộ ngành quan tâm đúng mức. Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thắng, nhà nước cần có những ưu đãi cụ thể trong vay vốn, mua sắm thiết bị, công nghệ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho cảng quy mô lớn, hiện đại. Hiệp hội Gas VN cũng sẽ căn cứ theo các chính sách đó để vận động các doanh nghiệp liên doanh, hợp tác đầu tư các kho chứa lớn. Có như thế thị trường gas mới có thể ổn định được trong thời gian dài, tránh biến động liên tục như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét