Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

TIỀN CỦA CHÚNG TA-QUYỀN CỦA CHÚNG TA!

 BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: CÒN NHIỀU THÁCH THỨC...

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 15-3-2012)
  Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: Để Luật BVQLNTD đi vào cuộc sống thì hoạt động tuyên truyền các quy định của luật là hết sức cần thiết. Phó Chủ tịch đề nghị phải kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống và tính mạng người dân như xăng dầu, mũ bảo hiểm, lương thực thực phẩm...
  Chiều ngày 14-3-2012, tại Hội trường Thành ủy TPHCM, Sở Công thương TPHCM, Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh và Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) - đã tổ chức hội thảo về “Ngày Quyền của người tiêu dùng 15-3”, đồng thời kêu gọi đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đồng chí Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TPHCM và đồng chí Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công thương đã đến dự hội thảo...

Siêu thị thu hút khách hàng nam vì giá cả thống nhất, chất lượng đảm bảo. Ảnh: CAO THĂNG
Theo ban tổ chức, hàng năm, Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (CI) thường chọn một chủ đề tiêu biểu để tuyên truyền, chủ đề của người tiêu dùng năm nay là “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Với chủ đề này, hội thảo đã tập trung giới thiệu tổng quan Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; một số lưu ý trong hoạt động kiểm soát gợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung theo quy định của luật và nghị định; Giải pháp nhận diện thương hiệu chính hãng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Đồng thời, tại hội thảo cũng diễn ra việc ký cam kết thực hiện chính sách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng giữa các doanh nghiệp và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, trao đổi, thảo luận giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước và đại diện doanh nghiệp, người tiêu dùng về các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), thời gian gần đây, thị trường trong nước đã xuất hiện thêm nhiều loại hàng giả như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, các loại dược phẩm và một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe người dân và môi sinh, môi trường. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 11.400 vụ vi phạm, xử phạt 23 tỷ đồng và thu giữ, tiêu hủy hàng hóa có giá trị hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết thực tế vi phạm do tình trạng hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi bằng nhiều thủ đoạn nhằm đối phó, qua mặt cơ quan chức năng.
   Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết, hiện nay tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, các hành vi xâm phạm diễn ra ở hầu hết ở các đối tượng SHTT như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sao chép băng đĩa lậu, in sách báo lậu… Đặc biệt, những loại hàng giả như: Rượu, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, phân bón, giống cây trồng, thuốc trừ sâu và sản phẩm mỹ phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước. Trong năm 2011, cơ quan chức năng đã xử lý 1.711 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 9,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với thực tế vi phạm hiện nay, một số doanh nghiệp bị làm giả hàng nhưng ngại công bố hoặc không dám công bố cho người tiêu dùng biết, do sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mình. Do đó, doanh nghiệp buộc phải “sống chung với lũ” và lợi dụng điều này hàng giả ngày càng “lộng hành” hơn. Bởi vậy, cần nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh hơn.

 
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Bách Phong-Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM cho biết, hoạt động trưng bày sản phẩm thật-giả của các doanh nghiệp tại hội thảo là hình thức giúp các doanh nghiệp giới thiệu những cách giúp phân biệt sản phẩm thật giả cho người tiêu dùng, đây cũng là cách để hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm bị làm giả tràn lan trên thị trường. Vì vây, người tiêu dùng cần phải có ý thức “tự bảo vệ mình”.
Phía ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì cho rằng, thực tế rất khó nhận biết hàng thật - hàng giả và chất lượng hàng hóa có đúng như nhãn ghi bên ngoài hay không nếu không có kiến thức chuyên môn và phương tiện để giám định. Tuy nhiên, khi có nghi vấn, không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho công tác giám định nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng bảo vệ mình bằng cách nào khi hàng giả ngày càng tinh vi và phổ biến, khi sản xuất hàng giả không chỉ trong nước mà còn nhập từ nước ngoài về và hợp thức hóa thành hàng nội địa bằng hình thức nhập khẩu linh kiện, bán thành phẩm, qua các cơ sở chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới của các thương hiệu uy tín trong nước… Vì vậy, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và thông tin tuyên truyền cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng có nhiều giải pháp để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng.
      Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Viết Hồng-Tổng Giám đốc Vina CHG cho biết, hiện nay, hàng giả, hàng nhái chen lẫn với hàng đạt yêu cầu về chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra những thương hiệu nổi tiếng, uy tín mà họ đang sử dụng qua logo, những câu slogan quen thuộc hay vị trí của thương hiệu sản phẩm, dịch vụ đó nhờ vào danh tiếng và giá trị thương hiệu của công ty mẹ, thế nhưng, họ lại không hề biết rõ những chi tiết nhỏ trên thương hiệu, slogan để phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả. họ thường ít để ý đến xuất xứ, chất lượng và cơ chế bảo hành khi mua sắm bất cứ mặt hàng nào. Trên thực tế, giá cả là mối quan tâm đầu tiên. Tâm lý người mua lại ham rẻ nên rất dễ tạo sơ hở để hàng kém chất lượng phát triển. Một khi người tiêu dùng mất lòng tin và quay lưng với sản phẩm “nhái” không đảm bảo chất lượng thì thương hiệu “thật” của doanh nghiệp đó lại chịu thiệt hại vô cùng lớn. Vì vậy giải pháp đặt ra là, các doanh nghiệp cần phải sử dụng hình thức dán tem nhãn có in chữ chống giả trên tem và gián lên trên các sản phẩm của mình và thực tế hiện có đến 90% sản phẩm trên thị trường được nhận diện thông qua hình thức này. Để đấu tranh với hàng giả, Vina CHG - đơn vị đã được cơ quan nhà nước cấp giấy phép in tem chống giả theo quy định tại Nghị định 105.2007/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã phát hành các loại tem chống giả đề can vỡ công nghệ nhiệt (khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hay chỉ cần hơ nóng thì hình ảnh hoặc logo sẽ biến mất), tem chống giả đề can vỡ công nghệ nước (khi thoa nước lên bề mặt của tem thì logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ hiện lên), tem chống giả đề can vỡ công nghệ phát sáng (các thông tin chìm trên bề mặt tem sẽ được nhìn thấy khi chiếu sáng bằng đèn cực tím)… Các loại tem được in trên chất liệu đề can vỡ (tự vỡ ra từng mảng khi bóc ra khỏi sản phẩm) và không thể bóc ra dễ dàng được…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét