Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

ĐẨY HỘ HỒN EM TRIỀN MIÊN TRÊN SÓNG...

  Xuyên suốt bài thơ này là tiếng lòng thiết tha, thổn thức của người kỹ nữ - nhân vật trữ tình trong thi phẩm đặc sắc của nhà thơ Xuân Diệu. Có thể nói, tự cổ xưa cho tới tận bây giờ, người đời vẫn có định kiến nghiệt ngã với những cô gái bán hoa... Thế nhưng trong con mắt nhân văn của những thi sĩ lãng mạn, nhân ái và bao dung như Xuân Diệu thì lại có cách nhìn cảm thông khi ông nhận diện ra thế giới tâm tình đáng được yêu thương của những người phụ nữ mà thiên hạ vẫn thường hay rẻ rúng… Và Xuân Diệu đã thốt lên "Lời kỹ nữ", đã thấu hiểu tiếng lòng của cô gái ấy trong khoảnh khắc thiết tha níu kéo khách làng chơi trước lúc chia xa …
  Mời các bạn cùng Snow đọc lại bài thơ này để cảm nhận vẻ đẹp rất đời, rất người trong tâm hồn bao dung của thi nhân Xuân Diệu  và  nhân vật trữ tình trong thơ ông….

 LỜI KỸ NỮ...
Xuân Diệu
Khách ngồi lại cùng em thêm chốc nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi!
Đêm nay rằm: yến tiệc ở trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc lắm!

Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử...

Chớ đạp hồn em! Trăng về viễn xứ
Đi khoan thai trên ngự đỉnh trời tròn
Gió theo trăng từ biển thổi qua non
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn...

Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn
Chớ để riêng em phải gặp lòng em
Tay ái ân du khách hãy làm rèm
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng

Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng
Trôi phiêu liêu không vọng bến hay gành
Vì mình em không được quấn chân anh
Tóc không phải những dây tình vướng víu...

Em sợ lắm... Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng, lạnh lẽo buốt xương da
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt...

Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Người viễn du lòng chợt nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước...

Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi... Du khách đã đi rồi...
(Hà Nội 1939)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét