Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

GÍA GAS TĂNG CAO-NGƯỜI DÂN TÍNH CHUYỆN TÌM NHIÊN LIỆU THAY THẾ


Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP-3-2-2012)

  Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đầu năm, giá gas đã có 3 lần được điều chỉnh tăng với tổng mức tăng tới 74.000 đồng/bình loại 12 kg. Đời sống của người dân vì thế mà  thêm phần khó khăn hơn, buộc họ phải tìm nhiên liệu khác thay thế để  tiết kiệm chi tiêu…
GẦN NỬA TRIỆU ĐỒNG 1 BÌNH GAS
  Kể từ 1-2-2012, giá gas bán lẻ trên thị trường đã được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy giá bán lẻ một bình gas 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ là 428.000 đồng. Đây là mức tăng mạnh nhất từ đầu năm, và như vậy chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giá gas đã có 3 lần được điều chỉnh tăng với tổng mức tăng tới 74.000 đồng/bình loại 12 kg.
    Trả lời câu hỏi  cơ sở nào để các doanh nghiệp điều chỉnh  tăng giá bán gas, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thắng-Chủ tịch Hiệp hội Gas VN cho biết, Nghị định 107/QĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ năm 2010) cho phép doanh nghiệp tự định đoạt giá bán gas. Việc quyết định giá bán gas trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá gas trên thị trường thế giới (chủ yếu từ khu vực Saudi Arabia), thường gọi tắt là giá CP. Giá gas của thị trường thế giới được công bố vào ngày cuối mỗi tháng để định giá gas cho tháng sau. Từ giá CP này, các công ty trong nước sẽ cộng thêm các khoản thuế, chi phí vận chuyển, chênh lệch tỷ giá và khấu hao vỏ bình... để hình thành nên giá bán mới. Trong đợt tăng giá lần này, theo giải thích của các doanh nghiệp là do giá CP (hợp đồng thế giới) công bố tăng đến 145 USD/tấn nên buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng tương ứng với mức giá nêu trên.
  Thực tế cho thấy,  giá gas tăng liên tục đã khiến cho cuộc sống của những người dân lao động  ngày càng khó khăn. Bởi với mức lương trung bình khoảng 2,5 triệu đồng thì họ không đủ để trang trải cho nhu cầu sinh hoạt của cuộc sống thường ngày với chi phí tiền điện nước hết khoảng 250 ngàn, tiền xăng xe hết khoảng 200 ngàn, tiền ăn hết 1,5 triệu, tiền gas hết 200 ngàn và tiền lo cho 1 đứa con nhỏ ăn học 600 ngàn đồng, còn đâu để dàng cho những lúc ốm đau bệnh tật…
TÌM GIẢI PHÁP THAY THẾ
Chính vì quá khó khăn này nên nhiều người dân lao động đã và đang tính chuyện tìm nhiên liệu khác để thay thế cho gas. Một trong những nhiên liệu được người dân tính đến đó là than tổ ong. Chị Lương Thị Nguyệt Anh, một công nhân may mặc ở quận Tân Bình TPHCM có lương hàng tháng 2,4 triệu đồng, cho biết: “Thời kỳ vật giá leo thang, tiết kiệm mỗi thứ một ít mới đủ sống. Sử dụng than tổ ong, mặc dù không tiện lợi, sạch sẽ  như nấu bằng gas và phải mất thời gian nhóm bếp, nhưng chỉ cần hai viên than tổ ong nhỏ loại hai ký là có thể hoàn tất mọi nhu cầu sinh hoạt nấu nướng trong gia đình 3-4 giờ liền mà chỉ mất có vài ngàn đồng”.
   Một giải pháp nữa cũng được nhiều người dân lựa chọn đó là dùng bếp điện từ và lò vi sóng. Theo các chuyên viên tư vấn tiêu dùng, việc dùng bếp điện từ và lò lo vi sóng thì tiết kiệm được tiền, nhưng cần có những loại nồi thích hợp. Bếp điện từ chỉ dùng được với những nồi-chảo có đáy phẳng và nhiễm từ. Nồi inox dùng được với bếp điện từ có bề ngoài không khác gì nồi inox thường, cũng có loại một lớp đáy hay ba lớp đáy. Do đó, để mua nồi inox dùng với bếp điện từ thì phải xem kỹ chỉ dẫn trên bao bì hoặc phải thử trước khi mua. Nhiều người bán bếp điện từ vẫn tưởng lầm rằng nồi inox một lớp đáy thì dùng được với bếp điện từ và ba lớp đáy thì không được.
   Còn lò vi sóng  thì không dùng được với những vật dụng bằng kim loại và những vật liệu hấp thụ sóng vi ba. Đồ đựng bằng kim loại sẽ phản xạ sóng vi ba nên sóng khó chạm tới thực phẩm và thực phẩm nóng chậm hơn. Vật dụng kim loại còn dễ phóng tia lửa điện trong lò, nếu tia lửa điện gặp dầu-mỡ trong thực phẩm sẽ phát cháy rất nguy hiểm. Vật liệu hấp thụ sóng vi ba sẽ nóng lên và sóng vi ba cũng không còn chạm tới thực phẩm. Trường hợp này thì thực phẩm sẽ nóng lên gián tiếp qua đồ đựng nên hiệu quả thấp. Có loại nhựa không hấp thụ sóng nhưng cũng có loại nhựa hấp thụ sóng vi ba. Để thử xem món đồ có hấp thụ sóng hay không hãy để nó vào lò cùng với một ly thuỷ tinh đựng nước, cho lò hoạt động nửa phút rồi lấy món đồ ra, nếu nó hấp thụ sóng nó sẽ hơi nóng lên..
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas
    Ngày 3-2-2012, Hiệp hội Gas Việt Nam đã chính thức có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gas. Theo Hiệp hội Gas VN, thuế suất 5% đối với mặt hàng gas hiện nay là quá cao, và mức thuế này đã duy trì trong một thời gian khá dài, kể từ khi giá gas nhập khẩu chỉ trên 350USD/tấn, trong khi hiên nay giá gas nhập khẩu đã lên đến trên 1025USD/tấn – cao nhất trong lịch sử mặt hàng gas, vì vậy Nhà nước nên xem xét giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gas xuống cho phù hợp thực tế. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thắng-Chủ tịch Hiệp hôi Gas VN cho biết: không chỉ gas nhập khẩu, gas sản xuất trong nước hiện nay vẫn phải chịu 5% thuế nhập khẩu, đây là gánh nặng đối với người tiêu dùng trong nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thắng, nếu được giảm mức thuế nhập khẩu này thì các doanh nghiệp sẽ có cơ sở giảm giá bán lẻ tương ứng cho người tiêu dùng. Được biết, từ ngày 1-2, do giá gas thế giới tăng 145USD/tấn nên các công ty kinh doanh gas đã tăng thêm 42.000 đồng/bình 12kg, khiến cho giá bán lẻ một bình gas đến tay người tiêu dùng có giá từ 425-428 ngàn đồng/bình 12kg.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét