Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

KÝ HỢP ĐỒNG MUA DẦU THÔ CỦA BRUNEI

TIN TỨC DẦU KHÍ
Thu Tuyết (SGGP 21&22-2-2012)
KÝ HỢP ĐỒNG MUA DẦU THÔ CỦA BRUNEI
(SGGP).-Sáng ngày 21-2-2012, tại TPHCM, Tổng Công ty Dầu Việt Nam- PV OIL đã tiến hành lễ ký kết hợp đồng mua dầu với đối tác là Công ty F\Dầu khí Brunei Shell. Theo đó, Công ty Dầu khí Brunei Shell-một công ty khai thác dầu khí lớn nhất tại Brunei sẽ cung cấp 2 lô dầu thô trong năm 2012 (một lô tương đương 600.000 thùng) cho Công ty PV OIL Singapore-một công ty con 100% vốn của PV OIL.  Việc ký kết này đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa hai công ty dầu khí quốc gia Brunei và Việt Nam. Các lô dầu do Brunei Shell cung cấp sẽ trực tiếp làm nguyên liệu cho NMLD Dung Quất. Đây cũng là lô dầu thô đầu tiên do PV OIL Singapore cung cấp cho PV OIL để đưa về NMLD Dung Quất kể từ khi thành lập hồi tháng 10-2010, đánh dầu sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh dầu của PVOil Singapore, góp sức cùng PVOil thực hiện tốt công tác cung cấp dầu thô cho NMLD Dung Quất một cách an toàn và hiệu quả.
   Được biết, Công ty PV OIL Singapore là công ty con 100% vốn của PV OIL tại Singapore, công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dầu quốc tế từ tháng 12-2010 và là cánh tay nối dài của Tổng Công ty Dầu Việt Nam trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường quốc tế bao gồm cung cấp sản phẩm dầu cho cho NMLD Dung Quất …
Ký hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn
(SGGP).- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa ký kết hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trị giá 4,5 tỷ USD với các đối tác gồm Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất Thái Lan (TPC), Qatar Petroleum International (QPI, thuộc tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Qatar).
Với vị trí đặt tại Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TPHCM khoảng 100 km về phía Đông Nam, dự án này được xem là Tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam đóng góp vào việc giảm tỷ lệ các sản phẩm nhập khẩu, nâng cao giá trị các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Theo dự kiến, tổ hợp hóa dầu có khả năng sản xuất 1,4 triệu tấn olefin với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, prô-ban, napta. Dự án cũng bao gồm các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tầu, các kho chứa hàng, nhà máy điện... Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM). Sản phẩm được sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước của Việt Nam. Tổ hợp sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về sức khỏe, an toàn và môi trường. Dự án còn bao gồm các nhà máy sản xuất trong các ngành công nghiệp như đóng gói bao bì, ống PVC, thiết bị điện, linh kiện lắp ráp ô tô. Dự án tổ hợp hóa dầu dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong vòng 4 năm tới, góp phần cung ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam và ASEAN.

PVN GIAO PVFCCo PHÂN PHỐI TOÀN BỘ ĐẠM CÀ MAU
(SGGP).-Như báo chí đã đưa tin, lô hàng thương phẩm đầu tiên của Nhà máy Ðạm Cà Mau đã xuất xưởng. Ðây là dự án sản xuất phân đạm thứ hai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau Nhà máy Ðạm Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), một thành viên của PVN. Hai nhà máy này mỗi năm có khả năng cung cấp 1,6 triệu tấn phân u-rê, đáp ứng gần 80% nhu cầu thị trường trong nước. Hai dự án thuộc nhóm dự án có tầm quan trọng quốc gia, vốn đầu tư lớn, nhằm sử dụng hiệu quả và nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí quý báu của đất nước, đồng thời hiện thực hóa chính sách tam nông và chiến lược an ninh lương thực của Ðảng và Chính phủ, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của đất nước. Với hai nhà máy này và một loạt dự án khác, từ chỗ phải nhập khẩu toàn bộ phân u-rê, chúng ta đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân đạm và tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
    Ngay khi lô hàng thương phẩm đầu tiên xuất xưởng, PVN đã quyết định giao cho PVFCCo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của Nhà máy Ðạm Cà Mau. Theo lãnh đạo PVN, vấn đề phân phối sản phẩm của Nhà máy Ðạm Cà Mau đã được tập đoàn sớm xem xét từ khi nhà máy còn đang trong quá trình thi công. Nhiều phương án được đưa ra cân nhắc. Cuối cùng, phương án được chọn lựa là trong thời gian đầu khi nhà máy đi vào hoạt động, toàn bộ sản phẩm sẽ được tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối của PVFCCo. Trong thời gian đó, PVFCCo sẽ hỗ trợ Ðạm Cà Mau thiết lập hệ thống phân phối của mình, và sẽ dần chuyển giao việc phân phối về cho Ðạm Cà Mau.
   Về mặt kinh tế, đây là một lựa chọn rất hợp lý. Trong kinh doanh, hệ thống phân phối đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quyết định. Hệ thống phân phối không thể được tạo dựng trong ngày một ngày hai. PVFCCo đã phải mất bảy năm với những khoản đầu tư khổng lồ mới tạo dựng xong hệ thống phân phối phủ khắp toàn quốc, bao gồm bốn công ty con là đầu mối tại các vùng miền, gần 100 đại lý cấp 1 và gần 3.000 cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó là hệ thống kho trung chuyển tại các vùng miền với sức chứa hơn 200 nghìn tấn, đủ khả năng tồn trữ, cung ứng hàng một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.
 Bên cạnh thị trường trong nước, PVFCCo đã sớm triển khai chiến lược mở rộng ra nước ngoài nhằm sẵn sàng cho việc thị trường phân đạm trong nước chuyển đổi từ trạng thái cung không đủ cầu sang cung vượt cầu, sau khi một loạt dự án xây mới, mở rộng các nhà máy phân đạm đi vào hoạt động từ năm 2012. Việc thống nhất đầu mối phân phối sản phẩm Ðạm Phú Mỹ và Ðạm Cà Mau tạo cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương đó.  Quyết định của PVN giao cho PVFCCo phân phối sản phẩm Ðạm Cà Mau đã được Bộ Công thương và Bộ Tài chính xem xét mọi khía cạnh, từ khả năng ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh, tới việc quản lý giá đầu vào, đầu ra sao cho bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp. PVN là tập đoàn kinh tế nhà nước, một trong các đơn vị chủ lực của nền kinh tế quốc dân, mọi hoạt động của tập đoàn và các công ty thành viên không nhằm mục tiêu đạt lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp, mà nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội do Ðảng và Chính phủ giao phó. Việc PVN và các đơn vị thành viên đáp ứng gần 80% nhu cầu trong nước về phân u-rê, với hệ thống phân phối rộng khắp, chính sách giá cả vừa linh hoạt vừa thống nhất sẽ góp phần quyết định trong việc ổn định thị trường phân bón trong nước, mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Thu Tuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét