Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

CHUYỆN GIÀN KHOAN & TÌNH YÊU CỦA NHỮNG NGƯỜI BÁM BIỂN

Cảm giác được bay là đà trên mặt biển, rồi lại được đáp xuống, bay lên từ giàn khoan này sang giàn khoan khác đối với chúng tôi thật là tuyệt, càng tuyệt vời hơn khi chúng tôi được tiếp xúc với những con người đang ngày đêm bám biển. Họ bám biển không chỉ để tìm kiếm nguồn tài nguyên quý giá  làm giàu cho quê hương đất nước, mà còn là để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ở những vùng biển đảo thiêng liêng… Một chuyến đi không chỉ đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm mà còn truyền thêm cho chúng tôi sức mạnh, thêm niềm tin về tình yêu đất nước, về ý chí, nghị lực và về cả tinh thần kiên trung của những người làm ngành dầu khí... 

Chuyện ghi ở giàn khoan…

Những ngày cuối tháng 6-2011, niềm mong ước ra giàn khoan sau bao năm gắn bó với ngành dầu khí của tôi đã trở thành hiện thực, khi tôi được mời tháp tùng Đoàn Cán bộ miền núi phía Bắc đi tham quan các công trình dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Nơi chúng tôi đến là các khu nhà giàn quanh mỏ Rồng và Bạch Hổ - vùng mỏ đã có đóng góp tới gần 70% sản lượng dầu thô cho đất nước. 

Hơn 30 phút được bay bằng trực thăng là đà trên mặt biển, rồi lại được đáp xuống, bay lên từ giàn khoan này sang giàn khoan khác đã đem đến cho chúng tôi những cảm xúc thật tuyệt vời, và càng tuyệt vời hơn khi chúng tôi được tiếp xúc với những con người đang ngày đêm bám biển… 

Đoàn cán bộ miền núi phía Bắc chụp ảnh lưu niệm với một số cán bộ kỹ sư đang làm việc tại giàn khoan mỏ Bạch Hổ

Đón tiếp đoàn chúng tôi sáng ngày 26-6 tại giàn công nghệ trung tâm (CNTT) trên mỏ Bạch Hổ, Giàn trưởng Phạm Văn Ban cho biết, giàn CNTT trên mỏ Bạch Hổ được đưa vào khai thác từ năm 1991 và đây là một trong hơn 40 công trình trên biển do Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro xây dựng. Đó là khối sắt thép đồ sộ, bao gồm 4 công trình nổi trên biển. Mỗi công trình có độ cao khoảng hơn 30m, cách mặt biển 50m và với kết cấu kiên cố, công trình hoàn toàn có thể vững vàng chống chọi với những cơn bão lớn. 

Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là phòng điều hành – “trái tim” của giàn CNTT. Tại đây thông qua các màn hình, bản đồ điện tử, giàn trưởng và các kỹ sư sẽ nắm được toàn bộ hoạt động khai thác của giàn. Cũng theo anh Ban, hiện nay, giàn CNTT quản lý 72 giếng khoan, mỗi giếng có độ sâu đến hơn 5.000m. Dầu và khí đồng hành khai thác được từ các giếng dầu này sẽ được thu gom về bồn xử lý của giàn trung tâm bằng hệ thống đường ống dưới đáy biển.

Sau khi xử lý xong, sản phẩm khí sẽ được dẫn về bờ cung cấp cho Nhà máy Dinh Cố Bà Rịa Vũng Tàu, còn sản phẩm dầu thì được đưa vào bồn chứa của các tàu dầu để xuất bán hoặc đưa về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Cũng tại nơi đây, chúng tôi đã may mắn được tiếp xúc với những chuyên gia, những cán bộ, kỹ sư và công nhân đang làm việc trên những giàn khoan. Họ đa phần là những người có trình độ, kỹ thuật tay nghề cao, họ miệt mài với công việc, say mê chinh phục biển khơi bằng cả trái tim và nghị lực phi thường của những người con yêu đất nước. 

Với họ đại dương bao la không chỉ đang ẩn chứa biết bao mỏ dầu cần chinh phục, cần khai thác để đem nguồn năng lượng về cho đất nước phát triển, mà đó còn là một phần máu thịt của Tổ quốc, của quê hương cần phải được bảo vệ, trông nom chăm sóc hàng ngày… 

Có thể nói, những tâm sự về tình yêu nghề nghiệp, yêu quê hương đất nước của những con người đang ngày đêm bám biển không thể trải bày, không thể kể hết trên trang báo, chỉ biết rằng những dòng tâm sự ấy, tình yêu ấy luôn đầy ắp ước mơ về những giếng dầu tràn đầy cho Tổ quốc, tình yêu ấy luôn trải rộng, mênh mông như biển lớn rất kiên định và rất đỗi dạt dào…

Hiểu thực tế, vững niềm tin

Tiếp đoàn chúng tôi tại văn phòng Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, đồng chí Vũ Nam Cường – Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết: được thành lập 19-6-1981, trải qua 30 năm, Vietsovpetro đã trưởng thành với bề dày lịch sử rất đáng tự hào. Những người làm dầu khí hôm nay mãi mãi không bao giờ quên giây phút cả nước hân hoan đón nhận tin vui khi mũi khoan thăm dò tại mỏ Bạch Hổ phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên vào ngày 24-5-1984. Sự kiện ấy đã khẳng định  ý chí niềm tin và trí tuệ của con người khi đã biến giấc mơ tìm lửa thành hiện thực. 

Và cũng chính từ thành công của mỏ Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu khác của đất nước như Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng, Đông Nam Rồng, Đồi Mồi, Ngọc Bích… đã được phát hiện, giúp cho trữ lượng dầu khí của Việt Nam không ngừng gia tăng, đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia khai thác dầu đứng hạng thứ ba ở Đông Nam Á. 

Các kỹ sư đang làm việc trên giàn khoan mỏ Bạch Hổ

Có thể nói, một trong những bước ngoặt lớn lao nhất của ngành dầu khí đó là việc phát hiện ra thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ, và đây cũng chính là nền tảng để Vietsovpetro khai thác dầu thành công trong những năm tiếp theo. Với lưu lượng trên dưới 1.000 tấn/ngày đêm, tổng trữ lượng địa chất đạt trên 500 triệu tấn dầu thô và hàng chục tỷ mét khối khí đồng hành, thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ đã trở thành một trong những thân dầu đặc biệt, hiếm có trên thế giới.

Việc phát hiện ra dầu khí ở tầng móng là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho những con người đầy bản lĩnh, tính kiên trì và lòng nhiệt huyết. “Những năm gần đây, mỏ Bạch Hổ và Rồng bị suy giảm sản lượng theo quy luật tất yếu của sơ đồ công nghệ khai thác. Chính vì vậy, hiện nay,Vietsovpetro đã tăng cường mở rộng vùng hoạt động, tìm kiếm, thăm dò khai thác ở những lô mới và vươn ra những vùng xa, vùng nước sâu hơn, kể cả hợp tác khai thác ở nước ngoài… Đây là chiến lược của Vietsovpetro nhằm giữ vững, tiến tới gia tăng sản lượng khai thác dầu khí trong những năm tới”- đồng chí Lê Minh Tuân, Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro chia sẻ với đoàn những thông tin trong chiến lược phát triển của đơn vị mình. 




Với những người làm dầu khí, đại dương bao la không chỉ đang ẩn chứa biết bao mỏ dầu cần chinh phục, cần khai thác để đem nguồn năng lượng về cho đất nước, mà đó còn là một phần máu thịt của Tổ quốc, của quê hương cần phải được bảo vệ, trông nom chăm sóc hàng ngày…

Sau chuyến đi này, chúng tôi đã có thêm nhiều thực tế, thêm nhiều câu chuyện cảm động, rất đáng tự hào để truyền đạt lại cho bà con nhân dân nghe, giúp bà con nhân dân ở những vùng sâu, vùng xa được hiểu biết nhiều hơn, cụ thể hơn về hoạt động của ngành dầu khí, về những đóng góp hết sức lớn lao cho quá trình phát triển đất nước của ngành dầu khí - một ngành kinh tế trụ cột của nước nhà”.

Vâng, là những thành viên trong đoàn, chúng tôi đồng cảm và rất hiểu sự chân thành trong lời cảm ơn của đồng chí Lương Văn Tưởng. Dù thời gian ở giàn khoan ngắn ngủi, nhưng chúng tôi cũng đã có dịp tận mắt chứng kiến, tận tay ghi lại hình ảnh những người lao động dầu khí đang miệt mài làm việc. Họ đã và đang ngày đêm đổ biết bao mồ hôi, công sức, đã và đang ngày đêm dốc hết tâm huyết, trí tuệ của mình để chinh phục biển khơi, để không chỉ tìm kiếm những nguồn năng lượng quý giá về làm giàu cho quê hương đất nước mà còn để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ở những vùng biển đảo thiêng liêng. 

Sự say mê lao động, ý chí, nghị lực và tinh thần kiên trung của những người làm ngành dầu khí như giúp cho chúng tôi có thêm sức mạnh, cảm thấy vững niềm tin hơn đối với đường lối chủ trương của Đảng, tin tưởng hơn vào sự kiên định Nhà nước ta trong quá trình khẳng định chủ quyền ở những vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
NGUYỄN THU TUYẾT (SGGP 6-2011)

Hai ngày lưu lại Vũng Tàu và sau khi đi thăm các công trình dầu khí ở nơi đây, niềm vui phấn khởi rạng ngời trên từng nét mặt của các thành viên trong Đoàn Cán bộ miền núi phía Bắc, lúc chia tay, thay mặt đoàn, đồng chí Lương Văn Tưởng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như 2 đơn vị thành viên là PTSC và Vietsovpetro đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ đoàn trong suốt chuyến đi tham quan thực tế, tìm về nơi khơi nguồn ngọn lửa, tìm về nơi đang thắp sáng niềm tin trên biển lớn. 

Đồng chí Lương Văn Tưởng nói: “Từ những  huyện miền núi xa xôi phía Bắc, qua báo chí truyền hình, chúng tôi cũng đã từng được nghe, được biết đến các hoạt động và những thành tựu của ngành dầu khí Việt Nam trong suốt 35 năm qua. Thế nhưng, chỉ đến hôm nay, khi lần đầu tiên đặt chân lên những giàn khoan, lần đầu tiên tận mắt chứng kiến những công trình dầu khí đồ sộ xa xôi ngoài biển lớn, thì chúng tôi mới thật sự cảm nhận hết và hiểu được một cách sâu sắc sự phấn đấu không mệt mỏi cũng như sự cống hiến lớn lao của những người làm ngành dầu khí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét