Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

“XIN LỖI, TÔI CẦN ÔNG NÓI BẰNG TIẾNG VIỆT”

    Lâu nay báo chí đã đề cập rất nhiều đến “bệnh” sính ngoại ngữ mà cụ thể là sính tiếng Anh trong giao tiếp và giao dịch ở một số bộ phận thanh thiếu niên. Thế nhưng, với những câu nói “nửa ta, nửa tây”, “chêm” từ tiếng Anh vào lời thoại hàng ngày theo thói quen nghe ra còn dễ được chấp nhận, dễ được thông cảm hơn, bởi điều đó đã phản ánh phần nào sự tiến bộ trong tiếp thu môn quốc tế ngữ và tốc độ hội nhập khá nhanh của đời sống nhân dân. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là “bệnh sính tiếng Anh” có thể “trở nặng” dẫn đến mất bản sắc văn hoá dân tộc, mất cả vị thế của người Việt Nam và tệ hơn là nó còn có thể trở thành trò cười cho các đối tác, cho bạn bè quốc tế trên các diễn đàn hội nghị …



   Mới đây, tôi có dự một hội nghị của tổng công ty P. thuộc ngành D. Đây là buổi lễ ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng của P với 3 ngân hàng (mà 2 trong 3 số đó là ngân hàng nước ngoài). Trong khoảng hơn 100 quan khách về dự hội nghị, tôi thấy chỉ có 3-4 vị là khách nước ngoài, thế nhưng tấm phông lớn giăng kín sân khấu của khán phòng hội nghị không thấy bất cứ một chữ tiếng Việt nào. Cánh nhà báo chúng tôi hôm đó nhìn nhau cuời nhưng rồi cũng thông cảm, vì chúng tôi nghĩ rằng, hẳn là P muốn bày tỏ sự trọng thị đối với các vị khách của 2 ngân hàng nước ngoài đây (dù rằng 1 trong 2 đại diện cho ngân hàng nước ngoài nêu trên cũng là người Việt). Thế nhưng ngay sau đó, vị tổng giám đốc của P. đã làm chúng tôi thất vọng. Mặc dù trên sân khấu đã có người dẫn chương trình kiêm luôn phiên dịch và trước ông đã có vài ba vị khách lên báo cáo, phát biểu bằng tiếng Việt (để người dẫn chương trình dịch sang tiếng Anh), thì ông lại đi làm cái điều ngược lại, khi bước lên bục cao sân khấu, ông bỗng xổ ra một tràng tiếng Anh, nói và đọc diễn văn luôn bằng tiếng Anh (báo hại người dẫn chương trình phải dịch ngược lại thành tiếng Việt). Hành động của ông, khiến cho những nhà báo và những vị khách có lòng tự trọng dân tộc, yêu tiếng mẹ đẻ như chúng tôi không thể không bất bình. Đáng buồn hơn là  trước giọng nói tiếng Anh chưa thật chuẩn và chưa thật lưu loát của ông cũng khiến cho các vị  khách nước ngoài  thấy khó chịu khi phải gắng mà nghe…

    Từ trường hợp này, tôi chợt nhớ đến một cuộc hội nghị mà tôi đã được dự và đã có bài viết với tiêu đề: “Khi hội nghị ta nói toàn tiếng Tây” cách đây 2 năm về trước. Hôm đó, có một nhà báo vì quá bức xúc chuyện ban tổ chức do quá “nghiện” tiếng Anh, cố tình quên đi tiếng mẹ đẻ của mình, nên nhà báo này  không một chút ngần ngại bước lên diễn đàn và nói: “Xin lỗi, tôi cần các ông nói bằng tiếng Việt, hai phần ba các ông ngồi ở đây là người Việt, các ông đang tổ chức một hội nghị tại Việt Nam, bàn về các vấn đề phát triển của một doanh nghiệp Việt Nam, phát triển ngành nghề tại Việt Nam thì cớ gì các ông lại không thể nói bằng tiếng Việt?”. Vì quá bất ngờ trước phản ứng quyết liệt của nhà báo này, ban tổ chức hội nghị hôm đó đã có lời xin lỗi giới báo chí, thế nhưng họ vẫn không thể chuyển sang nói bằng tiếng Việt được vì không có sự chuẩn bị trước.

    Trong chuyến đi công tác tại Singapore mới đây, tôi cũng gặp một tình cảnh tương tự. Mặc dù đưa đoàn nhà báo Việt Nam đi tham quan, tìm hiểu thông tin để viết bài về kinh nghiệm phát triển của một ngành nghề ở Singapore. Thế nhưng có lẽ vì  lười biếng phiên dịch nên cô trưởng đoàn (kiêm phiên dịch viên) đã bỏ qua khâu phiên dịch lại cho đoàn nhà báo Việt Nam nghe. Khi  các diễn giả, các đối tác Singapore hỏi tại sao không dịch, thì cô này cười và trả lời rằng: “Không cần đâu thưa ông. Đoàn chúng tôi tất cả đều nghe tiếng Anh rất tốt”. Tôi nghe mà không tránh khỏi sự bực mình, đành rằng, trong đoàn ai cũng biết tiếng Anh, thế nhưng biết để hiểu cặn kẽ các từ ngữ chuyên môn thì không phải ai cũng biết, hơn nữa, khi đi ra nước ngoài, trước một đoàn khách toàn là người Việt Nam mà đơn vị tổ chức không hề thực hiện khâu phiên dịch là một sự xúc phạm đến tinh thần tự tôn dân tộc. Ngay lúc đó, tôi đã nói trước các diễn giả Singapore rằng: “I’m sorry. My English is not good, so, i need translator” (xin lỗi, tiếng Anh của tôi không tốt, vì vậy tôi cần phiên dịch). Hầu hết các thành viên trong đoàn nhà báo hôm đó đều tán thành ý kiến của tôi, và thế là đơn vị tổ chức đã buộc phải bố trí ngay một phiên dịch viên cho đoàn suốt cả chuyến đi hôm đó.

   Trên thực tế, “bệnh nghiện” tiếng Anh trong một số đối tượng được bắt đầu từ “bệnh sĩ”, nhiều người vì sĩ diện muốn chứng tỏ cho nhiều người biết là ta đây rất rành, rất giỏi tiếng Anh nên tìm mọi cách để “trưng” ra, ngặt là họ “trưng” ra không đúng lúc, không đúng chỗ nên họ trở thành người lố bịch, khoe mẽ… khiến cho những người xung quanh không chỉ thấy khó chịu mà còn thấy cả nực cười. Đề cập đến chuyện này, tôi lại liên tưởng đến những người nước ngoài, những doanh nghiệp nước ngoài mà tôi có dịp tiếp xúc, làm việc. Là một phóng viên có thời gian dài chuyên theo dõi mảng kinh đế đối ngoại (đầu tư nước ngoài), tôi chưa hề thấy, các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức bất cứ một hội nghị công khai nào mà họ sử dụng toàn tiếng Anh, cho dù họ là doanh nghiệp nước ngoài. Đáng quý hơn, rất nhiều giám đốc, chủ doanh nghiệp là ngưới nước ngoài, là những Việt Kiều nói tiếng Việt chưa thật sự rành rẽ, thế nhưng khi phát biểu trước quan khách tại các cuộc hội nghị, hội thảo, họ vẫn sử dụng tiếng Việt một cách trân trọng (để phiên dịch viên dịch  lại bằng tiếng Anh). Vậy thì tại sao, chúng ta là người Việt Nam, là doanh nghiệp Việt Nam mà lại có vẻ ngại ngùng khi dùng tiếng Việt? Nếu cần “luyện” tiếng Anh, thì xin hãy luyện ở những cuộc họp, ở những buổi làm việc không chính thức, không nên vì quá “nghiện” tiếng Anh mà cố tình quên đi tiếng Việt, bởi như thế là sự xúc phạm đến tinh thần tự tôn dân tộc, là có tội với quê hương, đất nước…

   Hiền Vy (SGGP 9-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét