Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

THÓI ĐỐ KỴ VÀ CHUYỆN “ĂN KHÔNG ĐƯỢC THÌ ĐẠP ĐỔ”

     Phàm ở đời, những kẻ hèn kém, không có năng lực thì thường lại là những kẻ có thói đố kỵ. Thói đố kỵ xuất hiện ở khắp mọi nơi, ở những người cùng chung làng chung xóm có, chung trường chung lớp có, thế nhưng có thể nói, thói đố kỵ xuất hiện nhiều nhất là ở các công ty, nơi  văn phòng, công sở…  Kẻ có thói đố kỵ thường hay ganh ghét với những đồng nghiệp hơn mình, cho dù cái hơn đó bất kể là thứ gì, như giàu có hơn, xinh đẹp hơn, giỏi chuyên môn hơn, may mắn, hạnh phúc hơn… Thậm chí, đơn giản thấy đồng nghiệp của mình có nhiều bạn bè và nhiều người yêu quý hơn…thì  kẻ có tính đố kỵ cũng lấy làm ấm ức, ganh tỵ, ngấm ngầm tìm mọi cách để phá bĩnh cho bõ cơn ganh ghét.


    Đề cập đến thói xấu này, một độc giả đang làm việc cho một công ty nhà nước trên địa bàn TPHCM  đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện như sau:

  … Ngay từ những ngày đầu chuyển về công ty B làm việc, anh S đã bị nhiều đồng nghiệp trong cơ quan “thấy ghét, đơn giản chỉ là vì anh ta không chỉ là một người giỏi chuyên môn, nhiều năng lực từ một đơn vị  cùng ngành chuyển sang, mà S còn  là một mẫu người đàn ông có cá tính, bản lĩnh, đẹp và may mắn trong cả đời sống kinh tế lẫn hạnh phục gia đình. Nhiều kẻ đố kỵ quá mức bắt đầu ngay chiến dịch tung tin hại S: “Chắc bị gì đó nên mới xin chuyển về đây chứ gì?”, “Nghe nói bị cơ quan kia kỷ luật nên mới chạy sang đây đấy?”… Từ những câu hỏi phỏng đoán này, những kẻ đố kỵ với S đã dựng lên bao nhiêu là chuyện để “bêu xấu” S. Nào là lúc ở bên kia S ăn cắp, đi ngoại tình bị bắt quả tang… Bằng những câu chuyện dã tâm, đầy ác ý, họ khiến cho các sếp trong công ty B vốn là những người có bản tính nhu nhược, thiếu tự tin, thiếu quyết đoán không còn đủ tỉnh táo để nhìn rõ vấn đề, và rồi chính những vị lãnh đạo này đã có những cách hành xử thiếu chín chắn, thiếu khách quan, thiếu công bằng khi  họ nghe và ủng hộ những kẻ đố kỵ, ganh ghét S. Đó cũng chính là lý do vì sao mà vốn là một người có bằng cử nhân kinh tế loại ưu  nhưng S vẫn bị cơ quan B phân công vào một viï trí  không phù hợp chuyên môn của mình, một vị trí công tác được xem là “xương xẩu” và gai góc nhất, chưa người nào trong công ty hoàn thành, đảm đương được. Tuy nhiên, vốn  là một kỹ sư  tài năng, có nghị lực, chịu thương, chịu khó, S đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ vậy, từ lĩnh vực công tác mới, đầy khó khăn mà cơ quan phân công cho mình, S đã biết cách sáng tạo  để hoàn thành tốt nhiệm vụ, biết cách làm ra nhiều lợi nhuận cho cơ quan và  điều đó đương nhiên cũng có nghĩa là thu nhập của S ngày càng cao hơn theo quy định hiện hành của cơ quan và của nhà nước.

   Thấy việc đẩy S vào chỗ khó khăn với mục đích hại S, để S không làm được mà phải ra đi  thì vô hình chung lại giúp cho S có thu nhập cao hơn, khá giả hơn, khiến cho nhóm người đố kỵ với S càng thêm tức tối. Họ phát rồ, phát điên khi không chịu làm công việc của mình mà cứ  ngày đêm rình rập, theo dõi, xăm soi từng cử chỉ, từng chi tiết công việc của S. để nhằm mục đích “bịa đặt, vu khống S sao cho có cơ sở”. Họ bắt bí S đủ điều về những quy chế, về những nghị định cũ rích, họ gây áp lực và truyền cả cái thói đố kỵ xấu xa ấy sang cho các vị lãnh đạo trong cơ quan-những vị  lãnh đạo vốn thiếu bản lĩnh, yếu cả năng lực chuyên môn lẫn năng lực điều hành lãnh đạo. 

  Trước trò đời quá xấu này, S. bấy giờ mới thấy việc xin chuyển về công ty  B là một sai lầm của anh. Và anh đã không ngần ngại ra đi khi có một doanh nghiệp khác cùng ngành nghề với B chào đón. Đẩy được S. đi, những kẻ đố kỵ với S hoan hỉ  vui mừng, thế nhưng không lâu sau đó, hàng loạt người có năng lực khác ở công ty B cũng ra đi vì công ty làm ăn thua lỗ, thu nhập cán bộ công nhân viên giảm sút, còn ban lãnh đạo công ty thì không biết cách điều hành, lại thiếu sáng suốt, chuyên nghe lời  kẻ xấu, những kẻ hèn kém nhưng toàn đi rao gỉang đạo đức cho người khác, những kẻ đạo đức giả, xấu xa nhưng lại chuyên đóng vai là những người giỏi  giang, chân chính… Điều đáng nói là, đứng trước bờ vực phá sản, ban lãnh đạo B mới nhận ra sai lầm của mình. Họ vội vả “trải chiếu hoa” mời S về lại công ty, vội vả thu hồi lại  các quy định vốn gây khó khăn cho công tác kinh doanh mà S đang làm cực kỳ hiệu quả cho tập thể. Thế nhưng tất cả đã quá muộn màng… Ban lãnh đạo công ty B dường như đến bấy giờ họ mới chợt hiểu ra rằng, những kẻ có thói đố kỵ bao giờ cũng có kèm theo một thói xấu nữa, đó là “ăn không được thì đạp đổ”. Song chính những kẻ này cũng không thể ngờ, không thể hiểu được  rằng, họ đã đạp đổ không chỉ “miếng ăn” của người mà họ đố kỵ, ganh ghét, mà họ còn đạp đổ cả “miếng ăn” chung của tập thể, trong đó có cá nhân họ.

  Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 2-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét