Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

NGÀNH HÀNG KHÔNG VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

NGÀNH HÀNG KHÔNG VỚI MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 31-10-2011)

  Cục Hàng không VN cho biết, các doanh nghiệp ngành HK hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ các doanh nghiệp cảng hạ tầng, mà các doanh nghiệp vận tải cũng đang đối mặt với nguy cơ lỗ rất nặng. Câu chuyện ngành HK kinh doanh thua lỗ đã được đề cập từ rất lâu và đề cập rất nhiều lần trên các diễn đàn hội nghị, thế nhưng làm thế nào để ngành HK hết lỗ vẫn đang còn là một bài toán khó. Theo các chuyên gia, các giải pháp dưới đây sẽ giúp cho ngành HK hết lỗ nếu như ngành HK kiên quyết dốc tâm, dốc sức, nỗ lực hết mình đê thực hiện đồng bộ các giải pháp này.

Kỳ I:

 ĐẨY NHANH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
PHI CÔNG “NỘI”

Kinh phí đào tạo thành công một phi công cơ bản rất lớn (khoảng từ 120-150 ngàn USD), vì vậy, chương trình đào tạo phi công nằm trong dự án ODA của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho ngành hàng không Việt Nam (HKVN) phát triển một cách bền vững.
Học viên phi công khóa 2 của Bay Việt

Hướng tới thành lập Trung tâm Đào tạo Phi công Quốc gia
   Ông Lại Xuân Thanh-Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu phi công, giúp cho ngành HKVN phát triển một cách bền vững, trong Công văn số 1576/TTg-CP phê duyệt kế hoạch phát triển đội bay đến năm 2015 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tổng Công ty HKVN thành lập cơ sở đào tạo phi công cơ bản.  Và tháng 6-2008, Công ty Bay Việt đã được thành lập bởi các cổ đông gồm: Vietnam Airlines,  Công ty Cho thuê Máy bay VN, Công ty Bay trực thăng VN, Tập đoàn HIPT và Học viện Hàng không ESMA-Pháp. Ông Nguyễn Nam Liên – Tổng Giám đốc Công ty Bay Việt cho biết, ngay sau khi thành lập, Bay Việt đã tích cực chuẩn bị và ngày 14-10-2010, Bay Việt đã khai giảng khóa huấn luyện phi công cơ bản VFT1 cho 20 học viên phi công đầu tiên. Hiện nay các học viên khóa 1 này đang hoàn thành giai đoạn huấn luyện bay cuối cùng tại Học viện Hàng không ESMA (Pháp) và dự kiến các học viên này sẽ tốt nghiệp trở về nước vào những ngày đầu năm mới 2012, để bổ sung vào lực lượng phi công khai thác của Vietnam Airlines.
   Phát huy kết quả huấn luyện phi công của khóa 1, chiều ngày 21-10-2011, Bay Việt tiếp tục khai giảng khóa huấn luyện đào tạo phi công cơ bản VFT2 cho 23 học viên phi công người Việt Nam. Cũng trong buổi lễ này, Cục HKVN đã trao chứng chỉ phê chuẩn cơ sở huấn luyện phi công cho Công ty Bay Việt, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu xây dựng Trung tâm Đào tạo Phi công Quốc gia của Viêt Nam.
  Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Nam Liên,  Bay Việt hiện đang có những bước đi vững chắc để tiến tới độc lập đảm trách công tác đào tạo, huấn luyện phi công cơ bản tại Việt Nam với sự tham gia của Học viện HK Pháp-ESMA – đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo phi công cơ bản cho Vietnam Airlines và các hãng HK trên thế giới. Trong thời gian tới,  Bay Việt sẽ huấn luyện thêm 4 khóa phi công cho các hãng HK tại Việt Nam và trong khu vực, trong đó chủ yếu là học viên của Vietnam Airlines. Giai đoạn đầu, Bay Việt sẽ hợp tác cùng Học viện HKVN để huấn luyện thực hành bay cho học viên tại Sân bay Cam Ranh, tiến đến hoàn thành chuyển giao công nghệ thành lâp Trung tâm Đào tạo Phi công Quốc gia của Viêt Nam vào cuối năm 2012.  
Khát vọng bay…

Có thể nói, việc Cục HKVN trao Chứng chỉ Phê chuẩn Cơ sở Huấn luyện cho Bay Việt là cột mốc quan trọng để phi công cơ bản VN đã bước sang giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn mà các phi công và giáo viên lý thuyết của BAY VIỆT cùng trực tiếp tham gia giảng dạy dưới sự hỗ trợ & giám sát của các giáo viên có kinh nghiệm được phê chuẩn của Học viện ESMA-Pháp.  Đây cũng là lần đầu tiên các học viên phi công cơ bản được Cục HKVN trực tiếp tổ chức thi sát hạch tất cả các môn học quy định theo bộ đề thi và đáp án do Cục HKVN ban hành để cấp bằng lý thuyết, nâng cao vai trò giám sát chất lượng huấn luyện phi công của nhà chức trách. Sau giai đoạn huấn luyện lý thuyết 24 tuần bay tại Bay Việt ở TPHCM, các học viên sẽ lần đầu tiên được CẤT CÁNH với chương trình huấn luyện thực hành bay giản đơn 50 giờ bay đều tiên tại Việt Nam cho mỗi học viên, bao gồm cả trên 10 giờ bay đơn đầu tiên của khóa học. Với hạ tầng cơ sở tương đối hoàn chỉnh và 3 máy bay TB.20 đang sẵn sàng theo đề án ODA 95-97 giữa Chính phủ 2 nước VN và Pháp sẽ giúp cho các học viên đạt được khát vọng bay của mình trong một tương lai không xa.
   Trao đổi với phóng viên báo SGGP, các học viên phi công khóa 2 của Bay Viêt cho biết, các em rất tự hào khi đươc là những học viên phi công dân dụng đầu tiên tung cánh trên bầu trời tố quốc trong chương trình huấn luyện đào tao phi công cơ bản đạt chuẩn quốc tế này. Đặc biệt là việc trải nghiệm những giây phút hạnh phúc nhất trong phi nghiệp của một người lái máy bay - đó là chuyến bay đơn đầu đời của mình. Tuy nhiên, giai đoạn học tập phía trước còn đầy gian nan, thử thách đòi hỏi ở tất cả mỗi học viên toàn bộ quyết tâm, ý chí và nghị lực cũng như niềm đam mê để vượt qua…
    Thực tế cho thấy, thị trường HKVN tăng trưởng bình quân 20%/năm là tín hiệu đáng mừng nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn lao đối với  ngành HKVN, khi mà nguồn nhân lực phi công đang rất thiếu. Chưa hết, theo chiến lược phát triển của ngành HKVN, từ nay đến năm 2020, nhu cầu về phi công cho ngành sẽ phải đạt khoảng 1.500-2.000 người, tăng hơn gấp đôi số lượng phi công hiện nay.  Những con số nêu trên cho thấy, cơn khát nhân lực phi công cho ngành HK là rất lớn và điều đó đòi hỏi công tác đào tạo phi công ngày càng trở nên bức thiết.. Để có đủ phi công cho hoạt động bay, lâu nay, hầu hết các hãng HK phải đi thuê phi công nước ngoài với giá thuê rất cao từ 4-7 ngàn USD/người/tháng (gần gấp đôi mức thu nhập của một phi công người VN).   Và như thế, trung bình mỗi năm, ngành HKVN phải bỏ ra khoảng  30-40 triệu USD để thuê phi công nước ngoài nhưng vẫn không đủ.
Được biết, kinh phí đào tạo thành công một phi công cơ bản rất lớn (khoảng từ 120-150 ngàn USD), vì vậy, chương trình đào tạo phi công nằm trong dự án ODA của 2 Chính phủ 2 nước Việt Nam và Pháp nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho ngành HKVN phát triển một cách bền vững.
 
KỲ II

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HÀNG KHÔNG HẾT LỖ?

  ĐA DẠNG GIÁ VÉ ĐỂ THU HÚT NGƯỜI TIÊU DÙNG
   Thực tế cho thấy, là một đất nước đang phát triển, đời sống và thu nhập của người dân còn thấp nên với các mức giá vé máy bay hiện tại, các hãng HK chưa thể thu hút được nhiều người tiêu dùng tham gia. Tỷ lệ lấp đầy ghế trên các chuyến bay thường nhật chưa cao là cũng là vì thế. Bên cạnh đó, khi vào cao điểm, thị trường HK Việt Nam luôn xảy ra tình trạng bay lệch đầu: trước Tết từ TPHCM ra miền Trung, miền Bắc thì các chuyến bay luôn đầy 100% chỗ, nhưng chiều bay ngược lại chỉ đạt 10-15% công suất ghế. Sau Tết tình trạng trên ngược lại với lượng khách quá tải ở đầu Hà Nội, miền Trung vào TPHCM.
    Theo các chuyên gia, để khắc phực tình trạng này, ngành HK cần phải xây dựng chính sách giá vé thật phong phú với nhiều mức giá, áp dụng cho nhiều thời điểm, áp dụng linh hoạt ở nhiều chiều, nhiều đầu bay để thu hút người tiêu dùng, hạn chế tối đa tình trạng ghế trống trên máy bay. Ví dụ, vào dịp tết, hãng HK không chỉ tăng giá vé lên cao đối với chiều ra Bắc mà còn phải linh hoạt áp dụng giá vé thật rẻ cho chiều vào Nam. Khi đó nhiều người tiêu dùng có nhu cầu ra Bắc ăn Tết cùng người thân sẽ cân nhắc, thay đổi kế hoạch bằng cách đón người thân bay vào Nam ăn Tết với mình thay vì mình bay ra, giúp hạn chế tình trạng lệch đầu quá tải. Chính sách giá vé linh hoạt, giá rẻ cũng cần được áp dụng cho những hành khách lên kế hoạch đi sớm, cho những hành khách chấp nhận bay vào khoảng thời gian thấp điểm như bay buổi trưa, tối khuya, hoặc khi họ tham gia ở những tuyến bay, những đường bay địa phương còn vắng khách. Nếu có chính sách giá vé phong phú, áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng nêu trên thì các doanh nghiệp HK chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tiêu dùng tham gia hơn, tỷ lệ ghế lấp đầy sẽ được tăng lên và như thế hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn.
   Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Cục HK Phạm Quý Tiêu cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng HK thực hiện chính sách giá vé phong phú và linh hoạt, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GTVT đang yêu cầu các hãng HK báo cáo giá thành thực tế, xây dựng phương án giá để đề xuất nới trần giá vé máy bay. Dự kiến, trong tháng 10-2011 tới đây, Cục HK, Bộ GTVT sẽ thẩm định, làm việc với Bộ Tài chính để nới trần vào tháng 11-2011, đồng thời trình Quốc hội xem xét thông qua việc xóa bỏ giá trần vào năm 2013. Như vậy các doanh nghiệp HK cần phải tận dụng việc Chính phủ cho phép nới trần và hướng tới xóa bỏ giá trần trong thời gian tới để xây dựng ngay chính sách giá vé mới theo phương thức đa dạng, nhiều cấp độ, nhiều mức giá để thu hút người tiêu dùng, tăng hiệu suất sử dụng ghế để cắt lỗ, chứ không phải để đồng loạt tăng giá vé lên cao, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
TÍNH TOÁN KỸ KHI MỞ ĐƯỜNG BAY, XÂY DỰNG SÂN BAY
   Theo các chuyên gia HK, hiện nay, trong 23 tuyến đường bay nội địa thì đã có 19 đường bay vòng, gây lãng phí bình quân hơn 25% chi phí sản xuất. Vì vậy việc thiết kế mở đường bay cần phải được nghiên cứu tính toán kỹ càng để tránh bay dài, bay vòng gây hao tốn thòi gian và nhiên liệu. VN đã có Luật HK, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Chính phủ VN cũng đã ký hiệp định tham gia chương trình “Open Sky” (Bầu trời mở rộng) để hội nhập với thế giới và cũng là để giúp cho các hãng HK mở được nhũng đường bay thẳng, ngắn, hiệu quả tối ưu, giúp tiết kiệm nhiên liệu, thời gian và khai thác tài nguyên không gian hợp lý. Vì vậy việc mở đường bay mới và nắn chỉnh những đường bay cũ theo xu hướng nêu trên là hết sức cần thiết, các hãng HK cần phải mạnh dạn thực hiện chương trình này để tiết kiệm tối đa chi phí về nhiên liệu.
  Đối với việc đầu tư xây dựng các cảng HK, sân bay cũng cần phải hết sức cẩn trọng để tránh lãng phí lỗ lã. Báo cáo mới đây của các tổng công ty cảng cho thấy, đa số các  cảng HK địa phương có tần suất bay thấp đều bị thua lỗ. Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Bắc (NAC) cho biết, họ phải chi ra 9,8 triệu đồng để bù lỗ cho mỗi chuyến bay trong nhiều năm qua. Có 5 cảng HK địa phương bị “liệt” vào danh sách thua lỗ hàng năm thuộc phạm vi quản lý của NAC là Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Cát Bi (Hải Phòng), Nà Sản (Sơn La), Điện Biên… Không chỉ các cảng HK miền Bắc, ở miền Trung, miền Nam dù chưa công bố nhưng thông tin nội bộ cho hay, rất nhiều cảng HK địa phương ở 2 khu vực này cũng rơi vào tình trạng lỗ tương tự.
   Thực tế cho thấy, nước ta hiện đang khai thác 22 cảng HK, thế nhưng việc đầu tư xây dựng và phát triển sân bay cần phải có tầm nhìn chiến lược, phải tính toán kỹ lưỡng mới có thể đạt được hiệu quả cao. Với một địa phương có nhu cầu quá ít, mỗi ngày chỉ vài chuyến bay thì việc đầu tư xây dựng sân bay là không cần thiết. Ngành HK và cả các địa phương cần thận trọng để lượng sức mình. Đầu tư hạ tầng sân bay rất lâu hoàn vốn. Hiện nay, nhiều sân bay hoạt động một thời gian rồi lại phải thu hẹp dần vì các hãng HK tạm ngưng hoặc cắt đường bay đến do lượng hành khách quá ít, hoạt động không hiệu quả.
BOX
  Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, hiện đã có 46 hãng HK  nước ngoài đang khai thác trên 54 đường bay đi, đến VN. Riêng tại thị trường nội địa, Việt Nam có 4 hãng đang khai thác 40 đường bay đến 20 cảng nội địa, tăng 17 đường so với năm 2006. Tổng sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không VN giai đoạn 2006 - 2011 ước đạt 71,3 triệu hành khách, 940 ngàn tấn hàng hóa, thị phần quốc tế đạt 38,5%. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 15% về hành khách và 12% về hàng hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét