Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

ĐỪNG LÀM NHỤT CHÍ DOANH NHÂN

     Tôi đã từng nghe rất nhiều độc giả vốn là doanh nhân, doanh nghiệp than phiền về tính khách quan và tinh thần xây dựng của báo chí đối với các hoạt động của họ. Mặc dù chủ trương tuyên truyền theo đường hướng nhân rộng những điển hình tiên tiến, biểu dương người tốt, việc tốt, biểu dương những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giỏi, những doanh nhân tâm huyết với nghề nghiệp, với quê hương, đất nước luôn được kêu gọi, vậy mà mở các trang báo mỗi ngày ra, sao vẫn thấy những thông tin  ấy ít ỏi đến vô cùng. Ngược lại những thông tin về tiêu cực, về những vụ án lại cứ nhan nhãn, đầy rẫy trên mặt báo với mức độ khai thác một cách tối đa, thái quá.
    Nhiều nhà báo nguỵ biện rằng “Báo chí kinh tế thị trường là phải hướng đến thị hiếu của độc giả, phải viết những gì độc giả thích nghe, thích đọc”. Và có lẽ chính bởi điều này mà nhiều tờ báo, nhiều nhà báo chỉ vì muốn chạy theo dư luận nên đã bất chấp tính trung thực, tính khách quan và tính xây dựng của loại hình báo chí. Họ đã không ngần ngại bóp méo sự thật, đưa những thông tin thiếu chứng cứ, thiếu thẩm định lên mặt báo. Nhiều người vì quá muốn sự việc phải đi theo “chiều hướng câu khách” của mình, muốn thu hút sự chú ý của độc giả nên đã dùng thủ thuật “cắt cúp” lời phát biểu của những người có liên quan để  đưa lên mặt báo, hòng hướng dự luận nghe theo ý đồ không tốt của mình, khiến cho độc giả có suy nghĩ sai lệch về nội dung câu nói, hiểu sai lệch về đối tượng đã phát ngôn câu nói đó. Mới đây, vị lãnh đạo của một tổng công ty nhà nước đã “không thể ngờ” khi những ý kiến phát biểu của ông trong hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn được một vài phóng viên “cắt cúp” đưa lên mặt báo để luận bàn châm biếm. Một vị khác thì lại bày tỏ sự ngạc nhiên khi: “Các báo dường như  không thấy, hoặc cố tình không thấy những mặt tích cực, những mặt mạnh, những điều tốt đẹp mà chúng tôi đã làm được, họ chỉ toàn thấy những khuyết điểm, những thiếu sót của doanh nghiệp mà thôi. Tệ hại hơn, nhiều nhà báo còn cố tình xoáy sâu, khoét rộng vào các khuyết điểm đó, cố tình nâng quan điểm, thổi phồng vụ việc, phải chăng họ chỉ muốn triệt tiêu doanh nghiệp?”. 

    Trên thực tế hiện nay, có không ít phóng viên ở các báo kết thành từng nhóm chuyên đi lùng sục, moi móc các sơ suất, khuyết điểm của doanh nghiệp để “đánh hội đồng”. Mục đích của họ chính là những hợp đồng quảng cáo, thậm chí là những hợp đồng viết thuê cho “đối thủ cạnh tranh” của doanh nghiệp mà họ nhắm đánh. Theo các doanh nhân, trong hoạt động sản xuất kinh doanh thật khó có thể tránh khỏi những thiếu sót, những sơ  suất, thậm chí  là  cả những quyết sách sai lầm…  Trước những tình huống này, nếu báo chí  phát hiện được, có bài góp ý, phê bình trên tinh thần xây dựng thì các doanh nghiệp sẽ có thêm kinh nghiệm, thêm một bài học để hoạt động tốt hơn, phát triển bền vững hơn. Và khi phê phán một doanh nghiệp, các nhà báo cũng đừng quên cả một quá trình phấn đấu cống hiến của họ, đừng quên những đóng góp tích cực của họ cho nền kinh tế và cho cộng đồng xã hội, và xin đừng chỉ vì những sai lầm, chỉ vì những thiếu sót  nhất thời của họ mà phủ nhận tất cả những công lao thành tích mà họ đã dày công vun đắp, để rồi dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chán nản, mất tinh thần, nhụt chí….

   Mới đây, khi phê phán  tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, một vài tờ báo vì  muốn xoáy sâu vào “những mặt chưa được” của mô hình này nên đã cố quên đi  những đóng góp lớn lao của nó cho nền kinh tế. Để chứng minh cho cái sự “không hiệu quả” của mô hình tập đoàn, một tờ báo còn viện dẫn câu nói của một tiến sĩ kinh tế rằng: “Nếu nhà nước mà đem số  tiền đầu tư cho các tập đoàn đi gửi ngân hàng thì lợi nhuận thu được sẽ cao hơn”. Người bình thường nghe câu nói ấy tưởng là có lý, nhưng những người am hiểu về kinh tế thì lại cảm thấy rất nực cười. Một giảng viên khoa kinh tế tài chính của một trường đại học đọc câu nói ấy trong bài báo đã phì cười, ông nói: “Nói như ông tiến sĩ này thì cả nước mình đừng lam gì cả cứ xách tiền đi gửi ngân hàng là được. Chỉ có sản xuất, kinh doanh mới sinh ra lợi nhuận, đó là quy luật”. Chưa hết, vị tiến sĩ ấy hẳn cũng đã quên rằng, chỉ  có sản xuất kinh doanh mới giải quyết công ăn việc làm, mới đem lại tiền lương để nuôi sống hàng triệu triệu người lao động… Đem những thắc mắc này ra chất vấn vị tiến sĩ phát biểu câu nói mà báo chí đã viện dẫn lời ông, mới biết ông cũng là “nạn nhân” của thủ thuật  “cắt cúp”, chứ một tiến sĩ kinh tế như ông lẽ nào ông không hiểu những điều cơ bản đó. 

   Trong một buổi giao lưu với báo chí dịp 21-6, giám đốc một doanh nghiệp ở TPHCM phát biểu rằng: “Chúng tôi chẳng cần báo chí khen, chẳng cần các bạn bênh vực gì cả, chúng tôi chỉ cần các bạn viết khách quan, trung thực là đã tốt cho xã hội lắm rồi”. Câu nói tưởng bình thường mà sao nghe cứ đau nhói trong lòng những nhà báo có lương tâm.
Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 7-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét