Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

"NGHỆ THUẬT NÓI XẤU”

    Trong những lúc “trà dư tửu hậu” và những lúc rảnh rỗi, ngồi tán gẫu với nhau, thể nào giới chị em cũng bình luận về một đối tượng vắng mặt nào đó. Thông qua việc “bình luận” này, nhiều chị em tranh thủ nói xấu luôn cả đối tượng mà mình ganh ghét. Các chiêu thức nói xấu của họ thì thật là kinh khủng, còn cách thức dựng chuyện của họ thì phải nói là đã đạt đến mức độ siêu đẳng về “nghệ thuật”. Xin được kể ra đây vài câu chuyện mà chúng tôi thu lượm được từ thực tế, và từ những thông tin do bạn đọc cung cấp. Điều chúng tôi lưu ý là trong rất nhiều các câu chuyện mang mục tiêu nói xấu thường được nguỵ trang rất kỹ, khiến cho người nghe không hề biết dụng ý nói xấu của người trong cuộc.

Ví như, vì thấy V được sếp quý mến, H  bạn V, vốn có thói đố kỵ với bạn nên rất bực mình. H nung nấu ý định bêu diếu, nói xấu V với sếp. Thế nhưng để tránh tiếng là bạn thân mà sao đi nói xấu nhau, H thường bắt đầu bằng câu: “Em thấy nhỏ V dễ thương, tốt bụng, vậy mà không hiểu sao em nghe mọi người  (hoặc chị A, anh B) cứ nói xấu nó, chê nó là… (thế này, thế nọ)”. Trên thực tế chẳng có “chị A, anh B” nào chê V cả, còn những chuyện “thế này, thế nọ” chỉ là những chuyện do chính H tự sáng tác, dựng lên để nhằm mục đích hạ bệ bạn mình mà thôi.


  Một chuyện khác, thấy sếp T thân thiết với N, muốn cho sếp ghét bỏ cô này,  một cô trong số họ bèn dựng chuyện nhắn tin cho sếp: “Trời ơi, em với anh đâu có gì đâu mà nhỏ N nó đi nó nói với mọi người em là bồ anh! Em bực lắm nhưng em không thèm đôi chối với nó, chỉ phức tạp, bực mình thêm. Nó đúng là một đứa nhiều chuyện, anh hãy cảnh giác nó nghe anh…”. Nghe thông tin này, sếp T bỗng dưng quay ngoắt 180 độ, cắt mọi liên lạc, giao lưu nói chuyện với với N khiến N cứ ngẩn ngơ không biết lý do vì sao sếp lại đối xử với mình như thế.

     Hoặc thấy sếp K vừa mới chớm có cảm tình với cô Y, tức tối muốn hạ bệ Y, cô X-một “Fan” của sếp K bèn tung tin, đơm đặt: “Cô Y này á, đã có một đời chồng, ly dị rồi nên cặp hết anh này, anh kia, đẹp đẽ gì đâu, chỉ được cái dáng thôi, chứ mặt mũi thì chẳng có nét gì, càng nhìn càng thấy vô duyên…”. Sếp K nghe chuyện, mất hết hứng thú, cảm tình dành cho Y, bỗng nhiên biến mất sạch sành sanh…

   Đề cập đến “nghệ thuật” nói xấu, C- một độc giả trẻ của báo vừa điện thoại kể cho tôi nghe một câu chuyện vừa xảy ra với chính cô ấy, khiến cô  ấy thật sự đau buồn, không biết phải giải bày thế nào khi mà chính vị thủ trưởng cơ quan còn mắc mưu một  nhóm người chuyện có thói đố kỵ, tung tin, bịa đặt để hại người ngay trong cơ quan. Theo C, vốn là một người có năng lực, có trách nhiệm, làm việc hiệu quả cao nên C được lãnh đạo công ty chú ý, quan tâm, chuẩn bị đề bạt vào một vị trí trưởng một phòng ban then chốt. Thủ trưởng đơn vị cũng đã có một đôi lần gọi C lên trao đổi bàn bạc và căn dặn là đừng “bô lô bô la” ra bên ngoài trước, không hay. Thế nhưng, không hiểu sao, thông tin C sắp được đề bạt làm trưởng ban nhanh chóng lan truyền khắp công ty. Một kẻ ác miệng còn chạy lên thủ trưởng nói rằng: “Anh biết không, cô C chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, cô ấy  khoe khoang khắp nơi là anh sắp bổ nhiệm cô ấy lên làm trưởng phòng. Cô ấy còn hăm doạ là khi lên làm trưởng ban sẽ trị ngay những người không hợp, có đúng là C sắp làm trưởng phòng không anh?”. Nghe vậy, thủ trưởng cơ quan của C rất bực mình, gọi C lên mắng một trận xối xả, không cho thanh minh và bỏ luôn cả ý định bổ nhiệm, đề bạt C.

  Thật lòng, nghe những câu chuyện trên, tôi bỗng dưng thấy ghê sợ thế giới đàn bà. Sự đố kỵ, ganh ghét nhau dường như đã làm họ trở nên điên rồ, kệch cỡm, và họ bỗng chốc trở thành những con rối xấu xa trong mắt những người biết chuyện, thông minh và tỉnh táo… Một bạn đọc khác, đề nghị tôi  khi viết bài này nên có kết luận lưu ý là: tất cả mọi người, không kể gì các sếp cần phải hết sức cảnh giác trước những câu chuyện mang mục tiêu nói xấu một ai đó. Cần phải biết phân tích tình hình, cần phải hiểu người đi nói một câu chuyện không tốt đối với người khác là nhằm mục đích gì? Tại sao họ lại nói như thế? Và khi nghe thông tin thì cũng cần phải kiểm chứng lại  từ chính người bị nói xấu, phải nghe thông tin từ nhiều chiều để có những nhận xét, đánh giá con người một cách khách quan, chuẩn xác, tránh đừng để mình rơi vào cái bẫy của những người có thói ganh ghét, đố kỵ, chuyên đi dựng chuyện để  hại người.

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 2-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét