Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

ĐÀO ĐỨC NGHĨA - LUÔN MANG NẶNG TRONG LÒNG CHỮ HIẾU

   Thời gian gần đây, báo chí nhắc nhiều đến tên anh khi đưa tin các sự kiện của CotecLand-một đơn vị thành viên của Cotec Group (cũng do chính anh làm Chủ tịch HĐQT). Những hoạt động, tiềm năng và tính chuyên nghiệp của Cotecland đã và đang được nhiều đối tác có uy tín, danh tiếng trong nước và quốc tế (như Savill, Sitbell…) nhìn nhận đánh giá cao. Họ đã và đang xúc tiến  ký kết với Cotecland nhiều hợp đồng hợp tác quy mô lớn dành cho các dự án bất động sản mà Cotecland đầu tư…    Thành công và tiếng tăm đó của Cotecland trên thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản quả thật đã và đang tạo ra sức hút khá mạnh mẽ đối với giới báo chí…  Tuy nhiên, điều mà tôi ghi nhận và thực sự xúc động ở Đào Đức Nghĩa lại không dính dáng gì đến công việc chuyên môn, bởi đó chính là tấm lòng của anh, của một người con luôn mang nặng trong lòng chữ hiếu…

Tiến sĩ Đào Đức Nghĩa và mẹ. Ảnh: Nguyễn Văn Tiến

Ít ai nghĩ rằng, một doanh nhân bận rộn với hàng núi công việc

   Ít ai nghĩ rằng, một doanh nhân bận rộn với hàng núi công việc cần phải giải quyết mỗi ngày như anh, nhưng hầu như trưa nào Đào Đức Nghĩa cũng về nhà ăn cơm cùng mẹ. Một lần biết khó gặp được anh vào giờ hành chính, tôi mời anh đi ăn trưa với mục đích vừa ăn vừa trò chuyện hỏi han trao đổi thông tin cho một bài viết về thị trường bất động sản. Tôi nghĩ với sự chân tình và đầy thuyết phục của tôi thế nào anh cũng nhận lời, thế nhưng anh do dự rồi nói như để tôi thông cảm: “Buổi trưa anh phải về nhà ăn cơm cùng mẹ em à, mẹ già rồi, mẹ còn sống được với mình ngày nào là quý ngày ấy… À mà nếu em không ngại, anh mời em về ăn cơm cùng mẹ anh luôn”. Tôi hơi bất ngờ, nhưng vì sự thân thiết, quý trọng anh lâu nay và cả vì một chút tò mò muốn biết gia cảnh của anh, của một người mẹ mà anh hết lòng yêu thương chăm sóc nên tôi đã nhận lời về nhà anh ăn bữa cơm trưa hôm đó. Và cũng chính bữa cơm trưa hôm đó đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khi tận mắt chứng kiến một doanh nhân thành đạt chăm sóc người mẹ già trong khung cảnh gia đình ấm cúng của mình như thế nào…
    Tọa lạc tại một khu phố khá nổi tiếng xinh đẹp ở Phú Mỹ Hưng, ngôi nhà của Đào Đức Nghĩa được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại dành cho những doanh nhân thành đạt. Bước vào nhà, anh mời tôi ngồi chơi rồi bảo: “Em đợi chút nhé, anh lên đón mẹ xuống rồi mình dùng cơm luôn”.    Nói rồi anh lên lầu và chỉ khoảng 5 phút sau, khi mà tôi cứ đinh ninh là anh sẽ dìu mẹ xuống bằng cầu thang bộ thì thật bất ngờ, anh và mẹ lại bước ra từ ô cửa thang máy ngay trong góc nhà. Tôi buột miệng ồ lên một tiếng trước khi cuối đầu chào mẹ anh. Tôi nói với anh: “Hay quá hả anh, lần đầu tiên em thấy nhà riêng mà lại có thiết kế thang máy đấy, đúng là nhà của kiến trúc sư có khác”. Anh cười và bảo: “Việc thiết kế thang máy trong nhà riêng không đẹp, không hay đâu, và với nhiều người nó thực sự không cần thiết, lãng phí nữa, thế nhưng với anh thì nó cần thiết vô cùng em ạ. Bởi vì mẹ anh đã già, nếu để mẹ mò mẫm đi thang bộ anh không an tâm, ngộ nhỡ mẹ bị ngã thì ân hận cả đời, vì thế anh phải cố gắng làm thang máy để mẹ đi lên xuống cho dễ dàng, thuận tiện”. Tôi bỗng dưng lại buột miệng: “Vậy sao anh không thiết kế một phòng cho mẹ ở tầng trệt, để cụ đỡ phải đi lại…”. Anh cười xoa đầu tôi: “Ở dưới này thì làm sao thoáng mát dễ chịu như ở trên lầu hả em?”. Nghe anh nói, tôi gượng cười, gật đầu ậm ừ và bỗng dưng tôi thấy mình trở nên hời hợt, kém hiểu biết và kém sâu sắc trước anh-một người con hiếu thảo luôn nghĩ đến mẹ mình từ những điều nhỏ nhất…
   Mặc dù năm nay đã bước vào tuổi 93, thế nhưng mẹ của anh trông vẫn còn rất đẹp, một vẻ đẹp phúc hậu, đằm sâu  đúng phẩm chất của một bà mẹ Việt Nam hết lòng vì gia đình con cái. Trò chuyện cùng tôi, bà cụ kể nhiều về tuổi thơ của Đào Đức Nghĩa, về những kỷ niệm năm tháng chiến tranh đợi chờ chồng và nuôi các con ăn học thành tài...     Tốt nghiệp đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Tiệp Khắc (cũ), Đào Đức Nghĩa về nước làm việc trong khoảng thời gian đất nước còn nhiều gian khó và gần như cả cuộc đời anh dành cho nghề kiến trúc. Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và tầm nhìn, vì vậy, với anh công việc quản trị và kiến trúc có nhiều điểm tương đồng, và đôi khi bổ trợ lẫn nhau. Theo anh, trong kiến trúc, người ta hướng đến sự hài hòa tổng thể, nhưng song song đó, các chi tiết sẽ góp phần hình thành nên cái tổng thể đó. Và trong công việc quản trị cũng thế, nó đòi hỏi cả tầm vĩ mô và vi mô. Công việc kiến trúc sư cần sự lãng mạn, niềm tin và hy vọng, trong khi công việc điều hành, quản trị đòi hỏi có sự quyết đoán, nội lực và khả năng đương đầu, vượt qua khó khăn thử thách. Trên thực tế, Đào Đức Nghĩa là người có cuộc sống nội tâm phong phú. Là doanh nhân, chuyên nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng anh cũng là người rất yêu thích thơ văn ca nhạc. Theo anh, văn học sẽ giúp cho trí tưởng tượng của các kiến trúc sư bay bổng, từ đó giúp họ có được những tác phẩm, những công trình đạt yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ cao hơn. “Tôi luôn khuyến khích anh em dù bận rộn thế nào cũng nên cố gắng dành thời gian đọc thêm sách báo, lúc thư thái, hãy bồi dưỡng tâm hồn mình bằng những bài thơ, những bản nhạc trữ tình… Như thế bạn sẽ thấy công việc và cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, nhân văn hơn” - anh nói. Đề cập đến vấn đề văn hóa doanh nghiệp, anh cho rằng: văn hóa doanh nghiệp là làm ăn bài bản, nghiêm túc, giữ uy tín tuyệt đối với khách hàng, là sự tôn trọng nhau và thành công của công ty cũng chính là thành công của cộng đồng  xã hội…
   Phải chăng chính tài năng và quan điểm đó, cộng với tấm lòng hiếu thảo đầy ắp tính nhân văn của anh đã và đang ngày càng chắp cánh cho Cotec Group bay cao bay xa nhiều hơn nữa…
Box :
* Ít ai nghĩ rằng, một doanh nhân bận rộn với hàng núi công việc cần phải giải quyết mỗi ngày, thế nhưng hầu như trưa nào Đào Đức Nghĩa cũng về nhà ăn cơm cùng mẹ.
*Khi bạn đọc cầm trên tay tờ báo này thì cũng là lúc khắp cả nước đang vui mừng kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, vì vậy chúng tôi muốn gửi tặng bài viết này đến tất cả các doanh nhân và những người mẹ của họ như một món quà của những người con hiểu thảo mà câu chuyện về Tiến sĩ Đào Đức Nghĩa là một ví dụ điển hình, sinh động nhất.

  Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 10-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét