Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

NGHỀ LÀM "MAID"

Trong tiếng Anh “Maid” có nghĩa là người đầy tớ gái, nếu gọi một cách chung chung thì là người đi ở. Thông thường người ta hay gọi người đi ở là “Osin” - tên một nhân vật làm nghề đi ở trong bộ phim nổi tiếng cùng tên của Nhật. Chuyện về các Osin cũng như công việc của họ đã được khá nhiều báo chí nói đến. Ở bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến đời sống tình cảm và công việc của một bộ phận Osin trong đời sống xã hôi hiện tại, đó là những Osin làm việc cho người nước ngoài, và để phân biệt với các Osin làm việc cho người VN người ta thường gọi họ là Maid…
Maid - em là ai?

Khác với những người đi ở thông thường (làm việc cho các gia đình người Việt Nam), Maid là người ít nhiều phải biết ngoại ngữ và có sức khỏe tốt. Hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều Maid đang làm việc cho người nước ngoài (sinh sống và làm việc tại địa bàn thành phố). Tiêu chuẩn tuyển chọn Maid để cung ứng cho người nước ngoài cũng giống như tiêu chuẩn tuyển chọn người lao động làm việc cho người nước ngoài trong các lĩnh vực khác, có nghĩa họ phải là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, thường trú tại VN, có lý lịch rõ ràng đầy đủ, ngoại trừ các đối tượng là cán bộ công chức, đương chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội và công an nhân dân VN, những người làm nghề liên quan đến bí mật Nhà nước đã nghỉ hưu và vợ hoặc chồng của họ, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Tuy nhiên khi tuyển dụng Maid, cùng với các tiêu chuẩn trên, người nước ngoài thường yêu cầu phải có thêm các điều kiện về trình độ ngoại ngữ, nếu biết sử dụng ngôn ngữ của nước họ thì càng tốt. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết những người làm nghề Maid là phụ nữ có độ tuổi từ 25 - 45, trình độ học vấn không cao (vì người có trình độ cao họ thường không chấp nhận làm nghề này) nhưng họ khá rành ngoại ngữ (dạng tiếng bồi), nhất là tiếng Anh và giỏi nội trợ. Công việc của Maid cũng giống như công việc của các Osin bình thường khác: phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của chủ tại nhà: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, giữ trẻ, lau chùi nhà cửa... với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng. Mặc dù có mức thu nhập tương đối khá như đã nêu trên nhưng hầu hết các Maid đều có những trăn trở, băn khoăn lo lắng của riêng mình...
Tâm tình của Maid
Chị H. - có 5 năm tuổi nghề làm Maid tâm sự: trước đây chị vốn làm nghề bán dạo, sau đó nhờ một người quen giới thiệu chị được gia đình ông L. – người Nhật nhận về giúp việc nhà với mức lương ban đầu 1.000.0000 đồng/tháng. Qua 5 năm làm việc chăm lo hết mình cho cháu bé 1 tuổi (con ông bà chủ), chị được chủ tin tưởng, quý mến nên đã nâng lương cho chị lên 2 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, làm Maid điều quan trọng hàng đầu là chữ tín, phải thật thà, trung thực thì mới lâu bền. Ví như ông L. - chủ của chị đã 3 lần thay đổi Maid cũng chỉ vì các Maid trước có tật hay ăn cắp vặt, dù chỉ là những vật dụng rất nhỏ nhặt nhưng người Nhật họ rất kỹ, phát hiện ra là họ sa thải liền. Điều khiến chị H. buồn lo nhiều nhất là chỉ còn 5 tháng nữa ông L. hết nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam nên chuyển cả gia đình về nước. "Có lẽ tôi lại phải quay về với nghề bán dạo...” - chị H. buồn rầu tâm sự. Nỗi buồn của chị H. thực ra cũng chưa thấm vào đâu so với chị M. - người có tới gần 15 năm làm Maid. Chị M. cho biết chị đã 3 lần thay chủ. Chủ nhân đầu tiên của chị là trưởng văn phòng đại diện một công ty của Đức ở thành phố. Người này tuyển chị về làm việc được 7 năm thì về nước. Khi ra đi ông ta giới thiệu chị cho người sang thay thế ông... và hiện nay chị đang làm việc cho người chủ thứ 3 cũng của văn phòng này. Theo chị, làm Maid cho một văn phòng đại diện không phải là chuyện dễ. Để được người chủ tin dùng phải hết sức chu toàn, lịch sự và tế nhị trong công việc, nhất là khi chủ có khách, phải khéo léo để làm sao người khách cũng phải hài lòng vì cung cách phục vụ, giao tiếp của mình, từ đó họ sẽ có lời khen và như thế chủ mình sẽ "mát mặt" nên càng quý mến mình hơn. Chị thực sự hài lòng với công việc của mình nếu như không có tin văn phòng đại diện của công ty tại thành phố phải giải tán do công ty muốn thu hẹp hoạt động vì thiếu vốn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. "Thế là sau hơn 15 năm làm việc tôi chẳng được hưởng gì khi nghỉ việc, nghe người ta nói, nếu tôi được ký hợp đồng thì hẳn là giờ này tôi sẽ được thanh toán một khoản tiền theo chế độ nghỉ việc để kiếm kế sinh nhai..." - chị M. bùi ngùi tâm sự. Quả là mỗi cây, mỗi hoa... hoàn cảnh của các Maid mỗi người mỗi kiểu. Có nhiều người vui mừng vì may mắn có người chủ tốt, không chỉ yêu thương quý mến họ mà ngoài lương hàng tháng thỉnh thoảng họ còn được chủ tặng quà mỗi khi chủ đi phép về, hoặc đôi khi cũng có người tìm được "nửa phần còn lại của mình" khi làm nghề Maid như trường hợp cô N. làm việc cho một ông chủ người Đài Loan... Tuy nhiên cũng có không ít những trường hợp Maid bị chủ sỉ nhục, xúc phạm nhân phẩm, bị trả lương thấp... nhưng vì cần việc làm nên họ vẫn phải chấp nhận... Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các Maid đều cho rằng cái khó của nghề này là phải hiểu được ý muốn của chủ. Muốn làm được điều này thì chỉ có cách duy nhất là học và trau dồi thêm vốn ngoại ngữ của mình. Thực tế có rất nhiều trường hợp do bất đồng ngôn ngữ, không hiểu ý chủ nên làm sai, làm hỏng việc và bị sa thải là chuyện không hiếm đối với nghề làm Maid.
Tiếp xúc với các Maid khi thời gian Tết đã cận kề, chúng tôi được biết công việc của họ hoàn toàn không có Tết. Hay nói một cách chính xác là họ không được chung vui trọn vẹn Tết Nguyên đán cùng với gia đình. Điều này cũng dễ hiểu vì người nước ngoài đâu có ăn Tết VN. Hơn nữa nếu được sự đồng ý của chủ thì họ cũng không đành, vì nếu họ về nhà ai lo việc cho chủ, hoặc lo không may thời gian ấy ông chủ buồn lòng tuyển người khác thay thế thì có mà mất việc. Thế là từ suy nghĩ này nên hầu hết các Maid đều chọn giải pháp ăn Tết cùng gia chủ. Chị K. - làm Maid cho một ông chủ người Pháp vui vẻ kể: 3 năm qua chị đều ăn Tết cùng gia đình chủ. Chị không chỉ giải thích, giới thiệu phong tục tập quán, ý nghĩa Tết cổ truyền của người Việt Nam cho chủ mà còn nấu và hướng dẫn cách thưởng thức các món ăn ngày Tết của dân tộc cho gia đình người chủ của mình. Nhờ vậy mà đến nay gia đình người chủ của chị đã rất thích các món ăn VN. Ông chủ rất mê món bánh chưng chiên ăn với dưa hành, củ kiệu, còn bà chủ thì lại thích món chả giò rế của Xí nghiệp Cầu Tre...
Cần tăng cường công tác quản lý Maid
Theo Điều 8, Nghị định số 85/CP của Chính phủ thì "tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng lao động VN cần phải gởi văn bản yêu cầu đến tổ chức cung ứng lao động... Trong văn bản yêu cầu cần nêu rõ tiêu chuẩn, số lượng, thời hạn tuyển dụng... quyền lợi và nghĩa vụ của các bên...". Thế nhưng như đã trình bày ở phần trên, hầu hết người nước ngoài không tuân thủ quy định này, họ không muốn tuyển Maid qua các đơn vị cung ứng lao động vì họ không muốn trả lương cao (theo quy định mức lương tối thiểu của những người làm công việc tạp vụ là 80 USD/tháng), không muốn ràng buộc trách nhiệm (đóng bảo hiểm xã hội, y tế... cho người lao động)... Thông thường họ tuyển Maid thông qua người quen biết, không cam kết, không ký hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng... và với mức lương chỉ bằng khoảng 1/2 mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định Sự việc này rất bất lợi cho người lao động, dẫn đến tình trạng có những người làm việc mấy chục năm vẫn không có chế độ khi thôi việc và người lao động có thể bị sa thải bất cứ lúc nào... Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đào Công Trung cho hay: Nhiều người lao động biết rõ các điều khoản bất lợi cho họ nhưng vì cần việc làm nên họ đã chấp nhận tất cả. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng biết khá rõ các vi phạm trong tuyển dụng lao động VN của người nước ngoài nhưng lại không đủ lực để kiểm tra, phát hiện và xử lý... Phải chăng công tác này hiện nay đang bị thả nổi? Chúng tôi thiết nghĩ, chính sách mở cửa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta mấy năm qua đã thu hút rất nhiều người nước ngoài vào đầu tư làm ăn và sinh sống tại VN. Và lao động VN làm việc cho người nước ngoài trong đó có Maid đang ngày một nhiều hơn. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi cho lao động VN, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý lao động, cần phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm luật lao động cũng như quy chế tuyển dụng lao động VN của người nước ngoài. Mặt khác cũng cần phải tổ chức, giáo dục để người lao động VN hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của họ khi làm việc cho người nước ngoài, qua đó giúp họ có nhận thức, an tâm thực hiện tốt công việc của mình.

Nguyễn Thu Tuyết (CATPHCM 9-2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét