Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

HAI CÂU CHUYỆN ĐAU BUỒN TRONG LÀNG BÁO

   Trong một chuyến đi công tác tại Tây Nguyên, tôi đã được nghe 2 câu chuyện đau buồn về những người làm báo. Là người làm báo có lương tâm, tôi thật sự đau lòng khi chỉ vì một vài “con sâu” trong làng báo mà hình ảnh những người làm báo bị hoen ố, xấu xa đến thậm tệ trong mắt người dân…
Câu chuyện 1:  Đang dùng bữa sáng cùng đoàn nhà báo VN tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, điện thoại của nhà báo Quang Thọ-một cây bút thường viết về “Những mảnh đời bất hạnh” trên báo Công an TPHCM bỗng đổ chuông liên hồi. Thấy số điện thoại lạ, anh bật loa ngoài….
  -A lô, có phải nhà báo Quang Thọ không ạ?
  -Vâng, tôi Quang Thọ đây!

  -Dạ, em là (…), vừa rồi em có gửi hồ sơ của gia đình nhờ anh viết giúp trường hợp con em ở nhà mắc bệnh nan y, cần cứu chữa nhưng gia đình quá nghèo không có tiền, không biết anh đã nhận được chưa ạ?
-À, hồ sơ của anh tôi đã nhận được rồi….
-Anh cố gắng xem và viết bài sớm giúp gia đình em anh nhé. Mong anh thương lấy cháu, gia đình em quá nghèo, không thể lo cho cháu được anh ơi.
-Vâng, tôi hiểu, tôi sẽ cố gắng…
-Anh Thọ à, gia đình em có một cái phong bì gửi anh, nhưng không biết gửi ở đâu. Hay là anh cho em địa chỉ em đến tận nhà đưa cho anh, còn không anh cho em số tài khoản của anh để em nhờ người chuyển tiền vào…
-Trời ơi! Anh nói cái gì thế? Tiền nào mà gửi với chuyển?
-Dạ, thì là tiền bồi dưỡng cho anh viết bài đó.
-Ai bảo anh làm thế, nếu anh đã có tiền đưa cho tôi thì việc gì anh phải  cậy nhờ lòng hảo tâm của độc giả… Anh xúc phạm tôi quá đấy.
-Dạ không đâu anh Thọ à. Đây là số tiền em phải đi vay mượn họ hàng để đưa cho anh đấy. Khi nào bài báo đăng lên, dộc giả cho tiền thì em sẽ trả cho người ta, chứ thú thật là nhà em nghèo nhất làng, giấy chứng nhận hộ nghèo của xã, em đã gửi trong hồ sơ cho anh rồi đó.
-Thế anh nghĩ như thế nào mà lại đưa tiền cho tôi?
-Vì em nghe nói, nếu đưa tiền thì nhà báo mới viết và cho đăng nhanh, còn không thì không được lên báo, hoặc lâu lắm mới được đăng. Em còn nghe kể là có nhà báo còn thoả thuận trước là…
Bữa ăn sáng hôm đó khiến cả đoàn nhà báo chúng tôi ai cũng như nghẹn lại khi nghe câu chuyện này. Lâu nay, chuyện tiêu cực, nhận phong bì trong làng báo thì không phải là không có, thế nhưng việc nhận phong bì, tiền bồi dưỡng những người dân cùng cực, bất hạnh như thế thì nghe sao mà đau xót quá…
Câu chuyện 2: Từ câu chuyện đau buồn nghe qua điện thoại của nhà báo Quang Thọ nêu trên, nhà báo Vũ Dũng-Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã hồi tưởng lại câu chuyện mà anh và các đồng nghiệp vừa mới trải qua trong chuyến đi công tác để thực hiện một phóng sự phản ánh nỗi khổ, những khó khăn chồng chất trong đời sống của bà con nông dân ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Trước khi chia tay ngôi làng nghèo khổ đó, bỗng dưng các cụ già làng dúi vào tay các anh một chiếc phong bì. Các anh thật sững sờ khi thấy trong phong bì toàn là những đồng tiền lẻ. Hỏi ra mới biết, các cụ đã đi vận động, quyên góp từng nhà để có được số tiền này làm “quà cáp” cho các anh. Các anh cảm ơn và kiên quyết không nhận dù các cụ nài nỉ. Thế nhưng khi vừa quay bước, bỗng dưng các cụ như đồng thanh khóc hu hu. Các cụ cho rằng, các anh chê, không chịu lấy tiền tức là các anh sẽ không viết bài và không phát sóng đâu. Và như thế có nghĩa là những khó khăn của làng sẽ chẳng được ai biết đến, sẽ chẳng được các cấp chính quyền và Trung ương biết để mà lưu tâm giúp đỡ… “Trong tình cảnh đó, chúng tôi buộc lòng phải cầm chiếc phong bì để các cụ an lòng. Trên đường đi, nhìn chiếc phong bì và những đồng tiền lẻ nhàu nát đẫm mồ hôi được quyên góp từ những người nghèo khó, lòng chúng tôi như quặn lại vì  đau xót, và chúng tôi cảm thấy xấu hổ thay cho những con sâu đã làm hình ảnh nhà báo bị hoen ố đến mức khó gột rửa được trong mắt người dân như thế này đây. Và trong lòng chúng tôi, ai  cũng tự nhủ, sau khi phát hình xong phóng sự này, chúng tôi sẽ quay lại thăm dân làng và gửi tặng lại cho các cụ, cho dân làng những phần quà tình nghĩa do chúng tôi quyên góp từ những nhà báo chân chính, có lương tâm…”-anh Vũ Dũng ngậm ngùi nói…

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 2-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét