Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

*“THẢM HỌA” BÁO CHÍ

 NHỮNG KẺ MUỐN XÃ HỘI TỤT LÙI
Snow Autumn (23-2-2012)
Lâu nay, báo chí hay dùng từ “thảm họa” để mô tả những điều tồi tệ, xấu xa trong một lĩnh vực nào đó.  Ví như “Thảm họa nhạc Việt”, “Thảm họa phim Việt”… Thế nhưng, trong làng báo hiện nay cũng có không ít “thảm họa” khiến người dân bất bình, bức xúc. Từ những phản ứng, phê bình, góp ý, dẫn chứng của độc giả, Snow đã tập hợp, liệt kê  ra đây một vài  “thảm họa” thường thấy trong làng báo. Khác với những “con sâu” làm hoen ố nghề báo bằng những hành động tiêu cực như tống tiền, tham ô, hối lộ…, những nhà báo mà Snow đề cập trong loạt bài viết này là những “con sâu” chuyên gieo mầm “thảm họa” bằng những bài viết chửi bới công khai trên báo chí chính thống, hoặc trên mạng, trên blog cá nhân. Họ dường như chỉ mong muốn kéo xã hội tụt lùi, đi xuống, trái ngược hoàn toàn với mục đích tốt đẹp nói chung của nghề làm báo… Rất mừng là những "con sâu" đó đã không thực hiện được mục đích của mình, vì độc giả thời nay luôn là những người hiểu biết, thông minh, họ luôn tỉnh táo để sớm nhận diện đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu hay những kẻ chỉ luôn mong muốn cho xã hội tụt lùi...   
  KỲ I:
VU OAN CHO NGƯỜI NGHÈO
   Mới đây, khi vào blog một nữ nhà báo nổi tiếng, Snow thấy có một entry chị viết khá chuẩn xác về một vấn đề mà lâu nay bạn đọc thường hay gọi đó là “thói điêu ngoa của những người làm báo”. Điều đáng nói là thói xấu ấy lại luôn được các nhà báo “thảm họa” ngụy trang bởi người nghèo, nhân danh bảo vệ quyền lợi cho người nghèo. Khi muốn chê bai, chống đối điều gì đó mà cảm thấy lý lẽ, lập luận của mình “đuối như tàu lá chuối” thì họ lại lôi người nghèo ra làm bia đỡ đạn, họ lợi dụng người nghèo để nói lên những điều mà họ thích, thậm chí họ còn vu khống cho người nghèo, rằng người nghèo mong muốn những điều như thế, như thế…
     Snow trích đăng 1 đoạn trong entry của nữ nhà báo nêu trên để bạn đọc cùng suy ngẫm:
  “Nếu mình nhớ không nhầm dạo TPHCM cấm xe xích lô vào các quận nội thành, báo chí dạo ấy ầm ầm chống đối, nhân danh bảo vệ quyền lợi người nghèo. Hãy hình dung giờ này, nghênh ngang giữa Lê Lợi- Nguyễn Huệ những là xích lô, phố xá sẽ ra sao?
Tương tự, cấm bán hàng rong trên vỉa hè cũng chống đối, cũng nhân danh bảo vệ quyền lợi người nghèo. Dù biết hàng rong, đặc biệt là hàng ăn, là mầm mống của bệnh tật (cho người xơi) và khởi nguồn của rác rến nhếch nhác (cho mĩ quan và môi trường đô thị).
Không có gì tiện lợi cho mỗi cá nhân bằng việc xịch xe, ba bước xuống đúng chỗ cần giao dịch. Và kết quả kẹt xe tắc đường. Khi muốn tìm tội đồ thế mạng, đổ ngay cho sự quản lí yếu kém của Chính phủ. Bằng cách nào sửa chữa yếu kém ấy? không quan tâm (hay là không trả lời được), miễn vẫn phải được xịch xe và đi bộ ba bước, không hơn.
Đổi giờ học, giờ làm, thay đổi cả một thói quen sinh học đâu có thể ngày một ngày hai mà khớp ngay được. Thay vì chống đối, hãy thử có chút thiện chí khuyến khích bà con thực hiện xem biện pháp này nọ nó có hiệu quả hay không. Thiện chí ở đây là  với lợi ích cả cộng đồng, chứ không phải chỉ đơn thuần với một vài quyết sách của Chính phủ
  Đọc đoạn entry nêu trên, Snow cũng chợt nhớ đến thời gian đầu đưa ra chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng vậy. Báo chí cũng ầm ầm phản đối, nào là như đội “nồi cơm điện”, nào là đường xá đông nghịt, xe chạy chậm như rùa thì đội có tác dụng gì? chỗ đâu mà chứa nón, gửi nón ở đâu?...   Có thể nói, đủ mọi khó khăn được các nhà báo mổ xẻ, nêu ra để phản ứng, phản đối… Không hiểu bây giờ, những người phản đối ráo riết ngày xưa ấy có còn ấm ức nữa không khi việc đội mũ bảo hiểm đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, đã trở thành thói quen của mọi người dân khi đi xe máy? Có thấy ấm ức nữa không khi tỷ lệ người chết vì chấn thương sọ não giảm đi rõ rệt?
   Khi đọc các bài viết mang danh người nghèo để phản ứng và chống đối những chủ trương, quyết sách mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội nói chung, nhiều người nghèo hiểu biết đã bày tỏ sự bức xúc: “Nghèo không có nghĩa là xấu, là thích sự trì trệ, lạc hậu, sao lại cứ gắn những điều xấu ấy cho người nghèo, cứ mượn danh người nghèo, vu oan cho người nghèo như thế”. Rõ ràng rất nhiều người dân nghèo thông minh, hiểu biết đã không đồng tình với kiểu viết bài, đưa tin vu oan cho họ như thế. Thế nhưng những nhà báo thiếu lương tâm, thiếu thiện chí, ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân trước mắt thì lại cứ vu oan cho người nghèo, để cố tình phủ nhận, cố tình quên đi những điều tốt đẹp, cố tình quên đi lợi ích của cộng đồng…
    Thật là xấu xa!
*************
Snow Autumn (24-2-2012)
Không ai phủ nhận những đóng góp lớn lao của báo chí trong việc góp ý, giám sát và xây dựng để xã hội ngày càng phát triển. Cá nhân Snow rất thích, rất trân trọng những người giỏi phản biện. Bởi theo Snow xã hội cần phải có những ý kiến phản biện tốt, cần có những người phản biện giỏi thì xã hội mới phát triển, mới tiến bộ được. Tuy nhiên người phản biện tốt phải là người có cái tâm trong sáng, người ấy phải đứng trên quan điểm vì lợi ích của xã hội, của tập thể, vì cái chung chứ không được vụ lợi, không vì lợi ích của một cá nhân hay một nhóm lợi ích cục bộ nào. Phản biện là để xây dựng, góp sức chứ không phải để lươn lẹo, nói bừa, nói lấy được, nói theo kiểu phá đám…như một số "con sâu" báo chí vẫn hay làm...
   Không chỉ mượn danh người nghèo để đả kích, xuyên tạc và bôi xấu những người có hành động và việc làm tích cực, mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, những nhà báo “thảm họa” còn luôn thể hiện mình như những kẻ lươn lẹo, dối trá. Thói lươn lẹo giả dối của họ thô thiển và lộ liễu đến mức những độc giả chân chất ít học nhất cũng dễ dàng nhận thấy.
   Mới đây, trong buổi offline, thành viên của một diễn đàn trên mạng đã bày tỏ sự ngạc nhiên: “Lạ thật, không ít  trang web, blog chuyên chửi bới, lươn lẹo, nói càn lại là của nhà báo”. Vụ Tiên Lãng mới đây là một minh chứng cho cái thói lươn lẹo vô biên của những con sâu đó. Trước khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận xử lý, họ viết hết bài này đến bài khác kêu gào, chửi bới rằng “vô tâm, quan liêu, bỏ mặc”. Vậy mà khi Thủ tướng có kết luận hợp tình hợp lý rồi thì họ lại trở mặt cho rằng: “Đó là chiêu bài, là âm mưu, là mục đích ghi điểm…”. Hay như trường hợp ở các bộ ngành cũng vậy. Lãnh đạo ngành nào mà trầm quá thì bị họ chửi là “tư duy nhiệm kỳ, không dấu ấn, ngậm miệng ăn tiền, ngồi cho có vị…”, thế nhưng lãnh đạo ngành nào mà năng động, xông pha tâm huyết thì họ lại bảo: “Chỉ được cái phong trào, mạnh mồm chém gió…”. Người ta phát biểu chỉ đạo công việc thì họ bảo là “Nói suông thôi thì hay lắm, có giỏi thì cam kết đi…”, thế nhưng khi người ta cam kết, người ta làm được thì họ lại mồm loa mép dãi: “Ai mà tin, chắc là lại sửa báo cáo, số liệu rồi…”.
  Thật đúng là với cái loại nhà báo lươn lẹo xấu xa bỉ ổi đó thì kiểu gì họ cũng nói cho bằng được, họ nói mà không biết ngượng miệng, họ chửi mà không biết là chính mình đang bôi lên mặt mình những chữ “dối trá, vô liêm sỉ”. Trên thực tế, trình độ của những kẻ mang danh nhà báo lươn lẹo, chuyên gây ra những “thảm họa” xấu xa trong làng báo nêu trên cũng chỉ đến thế mà thôi. Họ chỉ có thể lươn lẹo, kéo bè, nối đuôi nhau chí chóe lu loa rồi cùng hả hê với nhau, thế thôi, chứ những loại người như họ thì mãi mãi chẳng bao giờ làm được trò trống, tích sự gì. Họ chỉ khiến cho những độc giả thông minh, hiểu biết cảm thấy ghê tởm, gớm giếc trước “trình độ” chửi bới điêu ngoa của họ mà thôi.
   Bình luận về thói dối trá lươn lẹo của một số nhà báo chuyên làm nghề lê la chửi đổng Chính phủ, chửi đổng chế độ, một bloger cho rằng: “Với những gì họ đã viết từ trước đến nay, phải đần độn lắm người ta mới không biết họ là những kẻ ngày đêm chủ trương phá bĩnh bằng cách nói ngược với những gì Chính phủ đang làm”.
  Điều nực cười là những kẻ chuyên làm nghề lê la chửi đổng ấy lại cứ tưởng mình hay, mình giỏi khi thu hút được mấy nhúm người tham gia hóng hớt, a dua. Thế nhưng nhìn tới nhìn lui mới thấy những kẻ a dua hóng hớt ấy lại toàn là những kẻ lâu la, vô công rỗi nghề, bất tài vô dụng…  Người ta bảo “nhàn cư vi bất thiện”, khi không có việc để làm, chẳng biết đi đâu, làm gì, tài cán thì có hạn, chẳng thu hút được ai, chẳng ai quan tâm đến thì những kẻ vô công rỗi nghề với tư chất đạo đức xấu xa bẩn thỉu ấy đâu biết làm gì khác ngoài việc lên mạng để chửi bừa.
  Thế nhưng thảm thương thay cho họ là bạn đọc thời nay hiểu biết và thông minh lắm, họ rất dễ dàng nhận diện người tốt, kẻ xấu. Vậy nên không ít độc giả sau một thời gian theo dõi hành động và “lời ăn tiếng nói” của đám người mang danh nhà báo tri thức kia đã phải giật mình mà rằng: “Cũng may mà những kẻ ba hoa, lươn lẹo, dối trá và bỉ ổi xấu xa đó đã không được trọng dụng, chứ nếu họ mà được trọng dụng, có vị trí, có chức, có quyền hành thì hẳn người dân sẽ phải khổ nhiều lắm vì họ. Bởi vì với trình độ và khả năng lươn lẹo ấy, họ chỉ có thể làm cho xã hội loạn lạc, làm cho đời sống người dân tụt lùi chứ dễ gì có được cuộc sống tốt hơn…”.
   Ngặt nỗi, những kẻ ấy cứ tưởng bạn đọc ai cũng ngu muội, dốt nát như mình nên hàng ngày vẫn cứ bò lê ra mà chửi…  
                     Nực cười lắm thay!
************

Snow Autumn (26-2-2012)
  Chỉ trong thời gian ngắn mà hàng loạt tờ báo đã phải đăng đính chính... Không chỉ các doanh nghiệp, các cá nhân mà ngay cả những bộ ngành ở Trung ương cũng đã phải khẩn cấp gửi công văn, lên tiếng phản bác lại những thông tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật của một bộ phận không nhỏ những người làm báo thiếu đạo đức, thiếu tư chất nghề nghiệp...Những hành động đáng phê phán đó của họ đã gây tác hại không nhỏ cho cộng đồng xã hội...
   Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động báo chí lại bát nháo như hiện nay, chưa bao giờ đạo đức báo chí xuống cấp đến mức công khai tệ hại như bây giờ. Chỉ cần thoáng nhìn lại trong khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây thôi cũng đủ thấy ghê sợ cho cái gọi là “văn hóa truyền thông, văn hóa báo chí”.
Từ những trang web, những tờ báo mạng giật gân, lá cải cho đến những tờ báo chuyên ngành và thậm chí cả những tờ báo chính thống có số lượng độc giả khá đông cũng vậy, hầu như ở đâu cũng bị những con sâu làm rầu cho cả môi trường văn hóa lớn. Công tác quản lý đội ngũ những người làm báo dường như đang bị thả nổi, rất nhiều người mang danh phóng viên nhà báo nhưng chưa từng học một giờ ở giảng dường đại học. Chưa hết, những người mới tập tễnh học việc, yếu nghề nhưng lại quá háo danh, hám lợi, thiếu đạo đức nên bất chấp tất cả  các quy định, quy trình nghề nghiệp, họ chỉ nôn nóng, nôn nóng để cho ra bằng được tin bài trên báo, và kết quả đó là những tác phẩm báo chí què quặt, bệnh tật, gây ô uế cho môi trường báo chí…
  Phương pháp “tác nghiệp” mà những người làm báo háo danh, hám lợi, thiếu đạo đức nêu trên thường sử dụng là hóng hớt và  “nghe hơi nồi chõ”. Họ chỉ cần nghe thoảng qua một câu nói của ai đó mà thấy có thể giật gân, câu khách kiếm tiền được là họ viết thành tin bài đăng ngay tức khắc. Họ bất chấp tất cả các quy định nghề nghiệp và họ cũng thừa hiểu câu nói của dân gian như thế nào là “Tam sao thất bản”. Thế nhưng danh lợi và những đồng tiền bẩn thỉu đã làm họ mờ mắt.  Không chỉ viết bài đưa tin theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”, để cho bài viết có tính thuyết phục và có vẻ “thực tế”, rất nhiều người trong số họ còn bịa đặt xuyên tạc sự thật, gây ra thảm  họa cho nhiều người khác.  Những cách dùng từ theo kiểu giang hồ, chợ búa để câu khách cũng luôn được họ đưa vào như những “kỳ tích”, những “chiến công”,  bất chấp hậu quả mà họ gây ra cho cộng đồng công chúng…
   Hồi cận Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, một loạt báo đưa tin: “Tước giấy phép kinh doanh 3 doanh nghiệp gas”. Các đại lý, người tiêu dùng và thị trường gas xôn xao tán loạn vì 1 trong 3 doanh nghiệp đó chiếm thị phần rất lớn. Thế nhưng kêt quả sau đó cũng chính họ đã phải đưa tin đính chính: “Phạt 3 doanh nghiệp gas, mỗi doanh nghiệp 20 triệu đồng" Họ thừa hiểu "bị phạt 20 triệu"" khác với "bị tước giấy phép kinh doanh" là như thế nào, họ chắc cũng thừa biết doanh nghiệp người ta sẽ khổ sở như thế nào vì thông tin thất thiệt đăng lên báo, thế nhưng họ vẫn cứ làm, điều đó khác gì là tội ác.
   Mới đây nhất là vụ việc của Tổng Công ty Dầu-PVOil,  chẳng biết nghe hơi nồi chõ thế nào, họ đưa tin: “PVOil tuyên bố ngừng bán xăng E5”, báo hại PVOil phải cấp tốc gửi văn bản khắp nơi để bác bỏ thông tin, yêu cầu nói lại.  Trong văn bản gửi các cơ quan báo chí, PVOil nhấn mạnh:
Thời gian gần đây trên một số phương tiện truyền thông có đăng tải thông tin về việc Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV OIL tạm ngừng  bán xăng sinh học E5 (xăng pha 5% Ethanol) tại các điểm kinh doanh xăng dầu của PV OIL và các đại lý. Theo nội dung các báo đài đưa tin hoặc trích nguồn đều cho rằng đó là ý kiến của PV OIL. Tuy nhiên sáng ngày 22-2-2012, PVOil đã có công văn gửi các cơ quan thông tấn báo chí bác bỏ nguồn tin này, trong công văn, PVOil nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định thông tin trên là không chuẩn xác”. (trích Công văn số 1408/DVN-VP của Tổng Công ty Dầu VN gửi các cơ quan thông tấn báo chí ngày 22-2-2012).
   Hay như sự kiện “Thành lập Tổng Công ty Cảng Hàng không VN” cũng vậy. Không hiểu một loạt nhà báo nghe hơi, coppy nhau qua lại thế nào mà cả tên và chức danh của người được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên của tổng công ty này cũng đều bị đưa sai. Từ “Nguyễn Nguyên Hùng-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam” họ ngang nhiên viết thành: “Nguyễn Anh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị…”. Thật là bó tay!
(trong ảnh là hình chụp một bài đưa tin kiểu "nghe hơi nồi chõ" đăng trên một tờ báo mạng).
   Trường hợp của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng tương tự như thế. Vì quen thói nói láo, nói vống lâu ngày mà không bị ai phản ứng, nên họ lại tiếp tục ham hố giật gân câu khách và bịa đặt ra một câu nói khống rồi lu loa lên cho là Bộ trưởng nói. Kết quả là một loạt tờ báo phải đăng cải chính.
   Dưới đây là lời xin lỗi đăng trên 1 tờ báo ra ngày 11-2-2012:  “Ngày 9.2, (...) đăng tin Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Dự án nâng cấp QL1A qua Quảng Nam không triển khai được tôi sẽ từ chức", dẫn lời Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ngày 9.2 nhân chuyến kiểm tra tình hình an toàn giao thông và tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm trên QL1A đoạn qua Quảng Nam. Ngay sau khi có thông tin phản hồi Bộ trưởng không nói câu đó trong chuyến làm việc Quảng Nam, Ban Biên tập, Tòa soạn (...)  đã quyết định cho gỡ bản tin này khỏi trang nói trên trong chiều 10.2; đồng thời yêu cầu PV (...) giải trình. PV (...) đã không trưng được băng ghi âm cũng như các cứ liệu khác để chứng minh và đã thành khẩn nhận khuyết điểm về sai sót trong tác nghiệp, dẫn đến thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo ngành GTVT.  Báo (...) trân trọng cáo lỗi cùng Bộ trưởng Đinh La Thăng và bạn đọc.” (ảnh dưới)
  Một scandal nữa trong giói showbiz đã làm cho Hoa hậu Mai Phương Thúy vô cùng đau khổ, còn độc giả thì phải bàng hoàng khi nghe họ đưa tin: Bộ VHTT đồng ý tước danh hiệu Hoa hậu của Mai Phương Thúy”. Thế nhưng ngay sau đó Bộ VTTT đã buộc phải khẩn cấp có văn bản phủ nhận  rằng: “Về thông tin 'Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý tước danh hiệu Hoa hậu Mai Phương Thúy, chúng tôi khẳng định đây không phải quan điểm chính thức của Bộ”.
   Những nạn nhân của những “con sâu báo chí” cho biết, họ hay bị những con sâu ấy bịa đặt, xuyên tạc và bóp méo câu nói của họ. Ví dụ, trong câu nói của tôi 1000 từ thì họ chỉ lọc lấy 3 từ cần cho họ, rồi họ phun ra những nội dung sai lệch hoàn toàn. Đấy là cách làm thiếu tính nhân văn và thiếu đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên nhà báo hiện nay”-một doanh nhân trong ngành văn hóa đã bày tỏ như thế. Cũng theo doanh nhân này, có lẽ các tờ báo lá cải, câu khách rẻ tiền đó chưa đánh giá được hệ lụy của những việc họ làm và dung túng bao che, họ đã, đang và sẽ tự hủy diệt chính mình nếu không sớm chấn chỉnh lại. “Là tổng giám đốc của một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, nhu cầu quảng cáo trên báo chí đối với chúng tôi là rất lớn, rất cần thiết, nhưng chúng tôi chỉ chọn những tờ báo có uy tín, chứ không bao giờ lựa chọn những tờ báo bát nháo, chuyên đưa tin biạ đặt, sai lệch, giật gân câu khách như một số báo lá cải đang làm. Bởi lẽ, một khi độc giả đã không tin tưởng, đã ghê sợ tờ báo đó thì những sản phẩm của mình đăng trên tờ báo đó có còn được họ tin tưởng sử dụng không? Câu trả lời chắc chắn là không rồi”-Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhấn mạnh thêm...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét