Phản hồi loạt bài: “Làm thế nào để ổn định thị trường gas?”:
CHẾ TÀI ĐÃ CÓ, CHỈ SỢ KHÔNG LÀM…
Thu Tuyết (SGGP 7-3-2012)
Sự ra đời của Nghị định 105/2011/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2012) đã giúp cho thị trường gas có được một hành lang pháp lý với các biện pháp chế tài xử phạt rõ ràng và cụ thể, vấn đề là các cơ quan chức năng có chịu làm, chịu thực thi một cách nghiêm túc, quyết liệt hay không mà thôi…
Ngay sau khi báo SGGP đăng loạt bài “Làm thế nào để ổn định thị trường gas?” (số ra ngày 5 và 6-3-2012), chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi của Hiệp hội Gas VN. Theo Hiệp hội Gas VN, thị trường gas hỗn loạn cả về giá bán và hệ thống phân phối như báo chí đề cập chính là hệ lụy của tình trạng thả nổi, xử phạt không nghiêm. Nhiều vụ gian lận thương mại, bán quá giá, làm bình gas giả, san chiết gas trái phép, bình gas thiếu trọng lượng… đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, bắt quả tang nhưng xử phạt không nghiêm, bắt xong lại thả nên không có sức răn đe. Ví như 2 vụ điển hình là 2 trường hợp vi phạm tại Công ty TNHH Miền Đông (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) và Công ty CP Dịch vụ Thương mại Cơ khí Đông Phương (huyện Hóc Môn, TPHCM).
Cụ thể, vào tháng 10-2005, Đội QLTT số 2 tỉnh Lâm Đồng và Công an huyện Đức Trọng phát hiện trạm chiết nạp gas của Công ty TNHH Miền Đông tại thôn K’Long, Hiệp An, huyện Đức Trọng (do ông Nguyễn Anh Tuấn làm giám đốc) đang vận chuyển, sản xuất kinh doanh hàng giả cùng với việc thu gom vỏ bình gas của công ty khác để sửa chữa, cải tạo thành vỏ bình gas của Công ty Miền Đông (thương hiệu là PETROL GAS). Tiếp đó, vào ngày 23-5-2011, QLTT TPHCM kết hợp với đại diện Quân khu 7, Sư đoàn 317 kiểm tra và tiếp tục bắt quả tang 4 xe vận chuyển các bình gas trái phép tại cổng vào trạm chiết nạp ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM của Công ty Miền Đông. Tang vật tại thời điểm kiểm tra có 103 bình gas của 20 nhãn hiệu các công ty gas như SP, Petrolimex, Total, Elf… Trước đó, vào cuối tháng 2-2011, Chi cục QLTT TPHCM và Công an huyện Hóc Môn phát hiện Công ty CP SXDV-TM Đông Phương sản xuất và gia công hoán đổi vỏ bình gas bất hợp pháp cho một số đơn vị. Qua khám xét, trong kho hàng của công ty này ở huyện Hóc Môn có gần 2.000 vỏ bình gas mang các thương hiệu như Total, Sài Gòn Gas, Vinagas... và nhiều vỏ bình khác đã bị mài mòn chữ nổi. Trong kho cũng có nhiều vỏ bình của Sài Gòn Gas bị tháo van...
Theo Hiệp hội Gas VN, 2 vụ việc vi phạm nêu trên rất nghiêm trọng, bởi lẽ Công ty Miền Đông và Đông Phương là 2 công ty đã có tiền án và hành vi vi phạm của họ xảy ra liên tục, có tính hệ thống, coi thường pháp luật. Các trạm chiết nạp chưa được cấp phép của cơ quan nhà nước nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Hành vi cải tạo, sửa chữa bình gas của các thương hiệu khác đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, hậu quả không thể lường hết được (bình gas không được kiểm tra, kiểm định dẫn đến việc cháy nổ xảy ra bất cứ lúc nào), gây thất thu thuế cho nhà nước…
Trước hành vi coi thường pháp luật nêu trên của Công ty Miền Đông và Công ty Đông Phương, ngày 19-7-2011, Hiệp hội Gas VN đã có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị xem xét vụ việc, đề nghị Chi cục QLTT TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an TPHCM để tiếp tục điều tra theo quy định. Hiệp hội Gas VN cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vụ việc một cách nghiêm khắc nhằm răn đe và lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh gas trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, Nghị định 105/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh gas đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 16-11-2011 và có hiệu lực kể từ 1-1-2012. Theo đó, hình thức xử phạt có mức răn đe đối với doanh nghiệp khi có thêm các hình phạt bổ sung như rút giấy phép kinh doanh, hình phạt mà các công ty sợ nhất chứ không phải là phạt tiền như bấy lâu nay. Ví dụ, hành vi cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn hoặc giả mạo giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí gas vào chai sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí gas vào chai giả mạo sẽ bị tịch thu. Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí gas của doanh nghiệp nếu cho thuê, cho mượn bị phát hiện cũng sẽ bị tước quyền sử dụng 12 tháng. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị tước quyền sử dụng trên 12 tháng. Mức phạt cho các hành vi làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của vỏ bình gas, như thay chân đế cắt quai xách, mài logo, thay đổi nhãn hiệu, seri, tráo đổi van đầu chai… sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với quy định hiện hành.
Nghị định 105 cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của UBND các cấp và cơ quan quản lý thị trường (QLTT). Trong đó, đội trưởng đội QLTT có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 30 triệu đồng… Chi cục trưởng Chi cục QLTT được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20 triệu và tước quyền sử dụng các loại giấy chứng nhận như đủ điều kiện kinh doanh gas, đủ điều kiện nạp gas vào vỏ bình, kiểm định vỏ bình… Trong khi đó, Cục trưởng Cục QLTT có quyền phạt tiền đến 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng các loại giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện… Các trường hợp nghiêm trọng hơn thì sẽ bị khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật…
Như vậy, với sự ra đời của Nghị định 105/2011/NĐ-CP thị trường gas đã có hành lang pháp lý, chế tài xử phạt quá rõ ràng cụ thể, vấn đề là các cơ quan chức năng có chịu thực thi một cách nghiêm túc hay không mà thôi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét