Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

TRẦN PHƯƠNG TÙNG - NGƯỜI CHUYÊN LỖI HẸN...

   *Anh Tùng ơi, tin anh mất khiến bao người sững sờ, choáng váng, em thật không ngờ anh lại ra đi đột ngột đến vậy, đau buồn quá anh ơi... Quả là tam tai, khó cưỡng lại số trời, anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, cái tuổi đang khẳng định độ chín, khẳng định tài năng và sự cống hiến của một doanh nhân cho đất nước, tiếc cho gia đình, cho người thân của anh và tiếc cho cả Fico... Đọc lại bài báo viết về anh gần 3 năm qua dưới đây mà em lại càng thêm đau đớn... Cầu mong cho hương hồn anh sớm về cõi thiên thai... Mãi nhớ về anh-Trần Phương Tùng...
     Mặc dù quen biết anh từ rất lâu, dễ chừng đã đến 6-7 năm rồi,  nhưng mãi đến tận bây giờ tôi vẫn chưa gặp riêng, nói chuyện riêng với anh được bất cứ một lần nào cho trọn vẹn, cho dù đó là một buổi làm việc bình thường, hết sức nghiêm túc của một nhà báo với một doanh nhân trước những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Chẳng phải là anh không cho tôi gặp, hay anh là người quá khó tính, quá dị ứng với báo chí, mà đơn giản chỉ là vì những lý do bất chợt, những công việc đột xuất, quá cần anh giải quyết, quá cần sự có mặt của anh nên buộc anh trở thành người lỗi hẹn, thất hứa… Mà xác suất của những sự cố bất chợt ấy lại thường xui xẻo khi cứ rơi vào những lần tôi hẹn gặp. Chả vậy mà anh hay nói  đùa với tôi là: “Tại công việc, nhưng cũng tại vì  anh với em không có duyên gặp nhau mà thôi”.

 
   Tôi nhớ, có một lần anh nhận lời gặp tôi vào gần cuối giờ trưa. Tôi đến rất đúng hẹn, cô nhân viên lễ tân hỏi: “Chị có hẹn với sếp không?”, “Đương nhiên là có”-tôi trả lời. “Thế nhưng sếp vẫn chưa về chị ạ”-cô lễ tân cho biết. Tôi ngồi chờ ở phòng lễ tân mà lòng cứ nôn nao, gần 11h rồi mà anh chưa về thì có khi tôi sẽ không gặp được anh. Cùng lúc đó, điện thoại reo, từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng anh nói gấp: “Đợi anh một tý nhé”. Và “một tý” thời gian của anh khiến tôi không đủ kiên nhẫn để chờ thêm khi mà kim đồng hồ đã chỉ đến con số 12. Một lần khác, tôi hẹn gặp anh vào đầu giờ chiều, dù vậy, để chắc ăn hơn, tôi đến sớm hơn giờ hẹn 15 phút, và quả là tôi đã “bắt” được anh. “Vào đi, anh vừa mới ăn cơm xong”-anh mở cửa mời tôi vào phòng. Đón nhận tách trà nóng ấm từ tay anh trao cho, chưa kịp uống, tôi đã thấy cô thư ký của anh chạy vào bẩm báo: “Thưa anh, vụ việc (……..) ở Vũng Tàu (……..) rất cần anh xuống gấp, xe đang chờ anh ở dưới nhà ạ”. Vừa nói, cô thư ký vừa nhìn tôi ái ngại: “Chị thông cảm cho sếp em nha chị”. Và thế là anh vội vã ra đi, để lại cho tôi thêm một lần lỗi hẹn...
  Mới đây, do biết gặp anh trong giờ hành chính là không thể, tôi và một bạn đồng nghiệp ở báo Thanh Niên lên kế hoạch mời anh đi ăn trưa, chúng tôi dự định là vừa ăn vừa trao đổi với anh về tình hình thị trường bất động sản hiện nay, những khó khăn của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư, mà Fico là một điển hình với nhiều dự án quy mô lớn còn dang dở. Rất may là hôm đó anh vui vẻ nhận lời và đã đến điểm hẹn đúng giờ cùng chúng tôi. Vì cứ nghĩ, anh đã đến thì ít ra chúng tôi cũng có được khoảng thời gian 1 tiếng đồng hồ để trò chuyện, hỏi han cặn kẽ những vấn đề cho việc viết bài. Thế nhưng thật đáng buồn là có một cuộc điện thoại đã “bốc” anh đi khi chưa kịp cùng chúng tôi dùng bữa. Nghe điện thoại xong, anh rối rít: “Xin lỗi các em, rất xin lỗi vì có một sự cố ở Cát Lái nên anh phải ra giải quyết gấp, mong các em thông cảm nhé”. Nói rồi anh vội vã ra xe, nhìn nét mặt căng thẳng của anh khi nghe điện thoại, chúng tôi hiểu là anh đã nói rất thật lòng, tuy không giận anh, nhưng sao chúng tôi vẫn cứ thấy lòng bực bội  và những câu hỏi dự định sẽ trao đổi trực tiếp với anh, chúng tôi buộc phải biến thành những câu hỏi gián tiếp trên giấy, nhờ thư ký của anh chuyển lại để anh tra lời sau.
…  Nhiều lần hẹn mà không gặp, chờ đợi rồi lại trở về không, đang trao đổi làm việc thì lại phải bỏ nửa chừng vì những sự cố, vì những lý do đột xuất ngoài mong muốn của anh… khiến tôi đâm nản,  bực mình và không còn muốn gặp gỡ hỏi han gì từ anh nữa. Thế nhưng anh là người sống khá tình cảm và chu đáo. Tôi nhớ có một lần, điện thoại báo tín hiệu cuộc gọi đến, tôi thấy lạ khi màn hình hiện tên anh. “Sao lại có chuyện ông ấy gọi cho mình nhỉ?”-tôi thắc mắc và càng thắc mắc hơn khi mà mới một hôm trước đó, đồng nghiệp của tôi ở Báo Xây dựng cho tôi biết là anh đã đi công tác nước ngoài. Vừa nhấn phim nghe, tôi đã thấy giọng anh sang sảng: “Ô, chào em! Chúc mừng em nhân dịp 8-3 nhé. Chúc em luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và có nhiều bài báo hay nhé”. Qua trao đổi, tôi biết anh đang đi công tác ở Thái Lan, và những ngày lễ như thế, dù ở đâu, anh cũng chẳng bao giờ quên những lời chúc, hỏi thăm chân tình đối với bạn bè và những người thân.
   Ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 vừa qua cũng vậy, khi nghe nhân viên lễ tân báo có khách đến thăm, tôi chạy xuống và ngỡ ngàng khi thấy anh cùng cô trợ lý của anh đến tặng cho tôi một bó hoa với những lời chúc thật chân tình. Tôi không biết phải diễn tả sự cảm động trong tôi lúc bấy giờ như thế nào, chỉ biết rằng, hơn 15 năm làm báo, cứ đến ngày 21-6 là tôi nhận được rất nhiều hoa, quà tặng và những lời chúc chân tình từ bạn bè, từ cơ sở… Thế nhưng việc một vị tổng giám đốc đầy bận rộn như anh lại đích thân đến tận toà soạn để thăm hỏi chúc mừng thì đây lại là lần đầu tiên và là duy nhất. Đó phải chăng cũng chính là lý do khiến cho giới báo chí chúng tôi dù không hài lòng về anh, nhưng cũng chẳng thể ghét giận anh- một vị tổng giám đốc chuyên lỗi hẹn mà tôi từng biết đến.

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 11-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét