Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 24-12-2004)
Thăm khu vực nuôi đà điểu trong trang trại của Hà Việt Hùng (ảnh chụp năm 2004)
• Câu chuyện tuổi thơ…
Thời nhỏ, nhà ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm nên Hà Việt Hùng thường theo chân những người anh lớn tuổi hơn trong xóm ra hồ câu cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Anh nổi tiếng là “tay sát cá”, một ngày anh câu được cả chục ký cá. Nhưng lý thú nhất đối với Hùng khi ấy vẫn là được câu rùa mai mềm (ba ba). Đây là loại hải sản cho thịt rất ngon, nhưng rất khó câu vì kén mồi. Hùng học hỏi cách thức câu ba ba ở các cụ già nhiều kinh nghiệm và biết được bí quyết: mồi câu ba ba phải là mồi sống, đặc biệt là trùn đất.
Từ miền xuôi lên miền ngược anh đi hầu như khắp nơi, làm đủ nghề… và rồi anh dừng lại ở ngành mỹ nghệ. Năm 1988, anh vào TPHCM để phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, để rồi chỉ hai năm sau, anh trở thành “đại gia” về gỗ mỹ nghệ.
Trong một lần cùng bạn bè thưởng thức món đặc sản thịt ba ba và nghe bạn bè bàn tán về tình hình nuôi ba ba rải rác và hiếm hoi khiến giá ba ba đắt ngất trời tại thị trường Việt Nam, Hùng chợt nhớ đến tuổi thơ của mình. Một ý nghĩ như thế đã lóe lên trong đầu của cậu bé “Hùng ba ba” năm xưa.
• Hành trình đến với biệt danh “Vua ba ba”
Cuối năm 1996, được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, bằng đồng vốn tích luỹ được, anh “ôm một cục tiền” liên kết với một người bạn có đất ở Bình Phước, hồ hởi hoạch định một chương trình nuôi ba ba rất bài bản. Ao hồ có sẵn, anh chỉ việc đầu tư con giống. Anh ra Hải Dương để mua 2.000 con giống chuyển vào Bình Phước.
Một mình vừa nhập giống, vừa tìm hiểu cách nuôi, vừa xắn quần xuống ao chăm sóc ba ba, anh làm cặm cụi và say mê với ba ba mà quên cả việc kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ đang trên đà phát triển của mình, dù rằng chỉ được ít ngày, ba ba giống cứ lặng lẽ chết dần, chỉ còn lại ít con còi cọc. Giống ba ba giá khá cao, nhìn cảnh những con giống chết dần mòn, anh không khỏi “xót ruột”. Phải làm gì để nuôi giữ con giống?
Năm 1997, Hùng sang Đài Loan để học hỏi kỹ thuật và nhập 4.000 con ba ba giống, hơn 1.000 ba ba bố mẹ về nuôi. Oái oăm thay, chỉ sau hai tuần, những chú ba ba “ngoại” này cũng lại bỏ chủ ra đi... Vì sao? Hùng nghĩ “nát óc”, mất ngủ nhiều đêm liền. Anh tìm đến các chuyên gia và tìm ra nguyên nhân quan trọng nhất: đó là do quy trình vận chuyển. Ba ba là loại sinh vật “cực kỳ” nhạy cảm, nên khi thay đổi môi trường rất dễ xung huyết, gây bệnh và chết.
Mỗi ngày, trung bình số ba ba giống chết hàng chục triệu đồng. Thấy gia sản dần dần thâm hụt theo con ba ba giống, gia đình và bạn bè anh hết lòng can ngăn. Trước thất bại nặng nề và áp lực gia đình, đôi lúc Hùng không khỏi lo lắng, nhưng anh hiểu rằng “khi làm một việc giữa chừng gặp thất bại mà bỏ ngang thì chẳng bao giờ thành công được”.
Cuối cùng Hùng quyết định chọn giải pháp nhập trứng ba ba từ các nước Thái Lan, Trung Quốc về tự ấp lấy giống. Do quy trình ấp chưa phù hợp nên trứng chỉ nở được 40%, con giống nở ra lại chết hết 60%. Không nản, một lần nữa Hùng lại xuất ngoại, anh đến các hộ nông dân nuôi ba ba ở các tỉnh Thái Lan để học hỏi.
Anh phát hiện thấy nông dân nuôi ba ba ở Thái Lan lấy giống tại chỗ, gần như “siêu lợi nhuận”, nhưng ngược lại con giống không đảm bảo vì “đồng huyết”. Hùng lại quay sang Đài Loan hỏi mua tài liệu nghiên cứu về ba ba của Pháp, Mỹ và thuê dịch ra tiếng Việt để tham khảo, số tiền mua tài liệu lên đến hàng chục ngàn đô la. Cuối cùng, nhờ kết hợp được kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế, Hùng thành công: ba ba đã sống!
Nhận thấy giống ba ba của Đài Loan tăng trọng nhanh nhưng chất lượng không cao, còn giống ba ba sông Hồng khỏe, tăng trưởng chậm nhưng thịt trắng, thơm ngon, anh mạnh dạn cho lai tạo hai loại ba ba này. Kết quả thật bất ngờ, giống ba ba mới (F1) này thích nghi với điều kiện tự nhiên của Việt
• Một mô hình cần nhân rộng
Thành công với con ba ba giống ưu việt, Hùng bắt đầu nghĩ cách đưa con ba ba đến các hộ nuôi trồng ở các địa phương trong cả nước. Anh nhận được sự trợ giúp của các trung tâm khuyến nông ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thương hiệu ba ba của Hà Việt Hùng đã đứng vững trên thị trường, được lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN - PTNT, các tỉnh thành đánh giá cao.
Hiện nay, Hà Việt Hùng đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu khai thác ba ba ở tầm cao hơn, đó là mô hình sinh thái khép kín từ nguồn giống, thức ăn (trùn quế, chuối, đu đủ…) nuôi trồng xen kẽ, đồng thời phát triển thêm những loại vật nuôi mới như đà điểu, heo mọi, cá sấu, dê sữa… Hơn thế nữa, Vietfarm Hùng Tiến cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình trang trại tiên tiến bao gồm nhiều tầng sinh thái gồm ba ba – đà điểu – trùn quế – dê – heo mọi lai... Mô hình này hướng tới việc tạo ra một quần thể sinh thái sống động, khai thác triệt để nguồn lợi từ nông nghiệp và du lịch sinh thái trang trại.
Thế là Hà Việt Hùng không chỉ là “Vua ba ba”. Anh trở thành một trong những người đầu tiên ở Việt Nam sáng tạo mô hình du lịch sinh thái khép kín, từ tham quan quy trình nuôi trồng động thực vật quý hiếm, nghỉ dưỡng đến thưởng thức các loại đặc sản tại chỗ.
Hiện anh đang dự kiến thực hiện, dự án về du lịch sinh thái mới nhất ở phía Bắc với 4.500ha, kết hợp với các đối tác nước ngoài để tổ chức những lễ hội truyền thống, giới thiệu làng nghề, giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ, tận dụng da đà điểu, da cá sấu… để làm ra sản phẩm bán cho khách du lịch, tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực… Với 32 hang động, dự án này sẽ là một “Vịnh Hạ Long trên cạn” trong một tương lai không xa.
“Vua ba ba” Hà Việt Hùng còn trẻ, mới 29 tuổi, đang trong thời kỳ sung sức. Đây là một con người nhanh nhẹn, tháo vát và đầy bản lĩnh, cách ăn nói nhỏ nhẹ nhưng có sức thu hút người nghe. Dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại, dự định của anh về tương lai là rất lớn.
Anh cho biết, mô hình trang trại kết hợp nhiều tầng sinh thái là mô hình bền vững để phát triển kinh tế nông nghiệp, có thể giúp cho hàng triệu hộ nông dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo nhờ có việc làm ổn định, đồng thời nó còn tạo nên sự đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu để làm giàu cho đất nước.
Hiện tại Vietfarm Hùng Tiến đã hình thành nên một hệ thống sản xuất liên hoàn khép kín bằng sự kết hợp của hơn 1.000 trang trại trên toàn quốc. Bình quân mỗi tháng, Vietfarm Hùng Tiến cung cấp trên 500.000 con giống ba ba, 3-5 tấn giống trùn quế, 500 – 1.000 tấn phân hữu cơ sạch từ côn trùng, 300 – 500 con giống đà điểu…
Ngoài ra mỗi năm Vietfarm Hùng Tiến còn cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu: 1.500-2.000 tấn ba ba thương phẩm, 7.000-10.000 tấn trùn quế, 200-250 tấn thịt đà điểu và nhiều phụ phẩm khác từ đà điểu. Sản lượng này theo kế hoạch sẽ còn tăng từ 10% tới 20% trong năm 2005 và những năm tiếp theo, do nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét