Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

ĐẶNG HOÀI PHÚC-THẮP ÁNHSÁNG TINHỌC CHO THẾGIỚI NGƯỜI MÙ

   Tôi trở lại Trung tâm Tin học Sao Mai (quận Tân Bình, TPHCM) vào một buổi trưa hè tháng 6-2008 oi nồng và nóng bức. Sao Mai bây giờ đã có nhiều thay đổi so với  5 năm trước, khi mà tôi cùng đoàn nhà báo quốc tế đến thăm trong khuôn khổ của chương trình Digital Hope-2003 do tập đoàn Samsung tài trợ. Cây điệp nhỏ trong khuôn viên hẹp của trung tâm giờ đã cao lớn, tán cành vươn rộng làm dịu mát lòng người qua lại…
Đặng Hoài Phúc (áo xanh)
Còn nhớ, lúc đó cùng với  nhiều nhà báo quốc tế, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy một thanh niên mù nhưng lại có thể trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh với các nhà báo nước ngoài như một người bản xứ. Không chỉ vậy, sự ngạc nhiên trong tôi như được nhân lên khi  nghe giới thiệu người thanh niên trẻ, có khuôn mặt và vóc dáng hết sức bình dị ấy hiện đang là thầy giáo dạy tin học cho hàng trăm trẻ em  khiếm thị  tại Sao Mai. Trả lời phỏng vấn đoàn nhà báo quốc tế lúc đó, Đặng Hoài Phúc (tên của người thanh niên mù) đã xúc động bày tỏ niềm mơ ước: “Nếu có được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức quốc tế, các đoàn thể, doanh nghiệp và các mạnh thường quân thì em tin là ánh sáng công nghệ thông tin sẽ không còn xa lạ với thế giới người mù”. Niềm mơ ước ấy của Phúc hôm nay đã trở thành hiện thực. Và giờ đây, Phúc đã trở thành một chuyên gia tin học cự phách, được nhiều tổ chức quốc tế mời đi tham gia hội thảo chuyên ngành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Em cũng chính là gương mặt trẻ của Việt Nam  được Tạp chí  E-Chíp phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin-năm 2004”, được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng 2 giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20-năm 2006”, “Quả Cầu Vàng-năm 2007” và được UBND TPHCM tặng danh hiệu “Công dân trẻ-năm 2007”.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN….    
Cảm phục sự nỗ lực của chàng “hiệp sĩ” mù, sau chuyến đi thăm cùng đoàn nhà báo quốc tế năm ấy, tôi  đã 2 lần trở lại Sao Mai  để chuyện trò, cùng Phúc ngược dòng thời gian trở về thời thơ ấu… 
"…Em sinh năm 1982 ở xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mẹ em làm nghề buôn bán, còn ba em vừa làm nông vừa làm bảo vệ cho một công ty gần nhà" - Phúc vào chuyện. Tuổi thơ của Phúc tuy không được lớn lên trong giàu sang, đầy đủ nhưng sức học của em vẫn luôn vượt trội so với bạn bè vì em rất thông minh. Thế nhưng, cuộc đời thường có nhiều bất trắc. Một vụ tai nạn do mìn nổ đã cướp đi ánh sáng trong đôi mắt của em. Giờ đây, hơn 15 năm đã trôi qua, nhưng Phúc vẫn nhớ như in cái buổi chiều định mệnh và oan nghiệt  ấy. "…Hôm đó là chiều thứ bảy, em vừa đi học về thì có một người bạn đến nhà chơi, thấy cây mai phía sau nhà em đẹp quá, bạn ngỏ ý xin và em đã lấy cuốc ra đào cho bạn. Nào ngờ…  Khi nhát cuốc đầu tiên bập xuống đất cũng là lúc quả mìn nằm phía dưới lòng đất hất trọn vào mặt em. Đại họa đó đã làm em đang học lớp 4 phải nghỉ nửa chừng” -Phúc ngậm ngùi kể lại. Năm 1992, ba mẹ Phúc gạt nước mắt đưa đứa con trai 10 tuổi bị mù cả 2 mắt lên xin học tại Câu Lạc bộ Bừng Sáng - một nơi chuyên dạy trẻ khiếm thị ở quận 10, TPHCM với  những lời động viên và với niềm tin là Phúc sẽ vượt qua mặc cảm để trở thành một người khuyết tật có ích cho cộng đồng, xã hội. Không phụ lại niềm tin yêu, hy vọng của cha mẹ, Phúc ngày đêm miệt mài học tập, nỗ lực, phấn đấu hết sức mình để khắc phục khó khăn. Tự nhủ không thể để cuộc đời, tương lai bế tắt, Phúc lao vào học chữ nổi và học nhạc tại CLB Bừng Sáng. Riêng học văn hóa, em mạnh dạn xin vào học tại các trường dạy cho học sinh bình thường như Trường Tiểu học Lê Lợi, Trường THCS Hoàng Văn Thụ và Trường PTTH Nguyễn Chí Thanh. Mắt mù, ở các trường tiểu học không có sách chữ nổi, nên việc tiếp thu bài vở đối với Phúc rất khó khăn. Sau khi suy nghĩ, cân nhắc, Phúc đã chọn chiếc máy ghi âm làm công cụ hỗ trợ cho việc học của mình. Cứ thế, học lực của Phúc qua các cấp học luôn đạt loại khá và giỏi . Điều đó như là một niềm an ủi, động viên lớn lao, giúp Phúc lạc quan và tự tin hơn với mọi người. Năm 1998, Phúc tốt nghiệp PTTH và một năm sau, qua kỳ thi tuyến sinh đại học, em trở thành sinh viên khoa Tiếng Anh của Trường ĐH Khoa học Xã hội& Nhân văn TPHCM. "Lẽ ra em đã tốt nghiệp đại học năm 2003 nhưng do quá bận rộn với các dự án, mà dự án nào cũng cấp bách, rất cần được triển khai sớm để giúp đỡ người khiếm thị, tận dụng được nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. ngoài ra, em cũng không thể bỏ lỡ cơ hội đi dự các khoá tập huấn kéo dài nhiều tháng trời  ở Thái Lan,  ở Mỹ…  Vậy nên cho đến nay em vẫn chưa có thời gian để đầu tư cho việc học và thi lấy bằng tốt nghiệp”. Dù vậy, Phúc vẫn mong mỏi, vẫn hy vọng và vẫn tin là em sẽ hoàn tất chương trình đại học, sẽ có được tấm bằng tốt nghiệp trong một tương lai gần-khi mà các dự án của Phúc đang triển khai đã dần đi vào hoàn thiện. Lúc đó, Phúc sẽ có thời gian thư thái hơn để đầu tư cho việc học.
THẮP ÁNH SÁNG TIN HỌC CHO NGƯỜI MÙ NGHÈO  
Không chỉ vượt lên số phận, bằng sự nỗ lực của mình,  năm 1999, Phúc là một trong số những học sinh  khiếm thị  đầu tiên của VN được theo học một khóa tin học do một tổ chức nhân đạo của Italia tổ chức. Tiếp xúc với máy tính lần đầu tiên trong ngỡ ngàng, nhưng Phúc vẫn nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức cơ bản về đánh máy, soạn thảo văn bản, sử dụng Internet… Chưa đầy một năm sau, em đã vững vàng trong việc lập trình, thiết kế web, viết nhạc, đào tạo tin học cho các em nhỏ khiếm thị tại cơ sở Bừng Sáng và sau đó trở thành phó giám đốc, rồi là giám đốc Trung tâm tin học Sao Mai ở tuổi 25. Tính đến nay, Phúc và những cộng sự của em (hầu hết là những người khiếm thị) đã xây dựng được 10 trung tâm tin học cho người  mù, đã đào tạo mở rộng mạng lưới  tin học miễn phí cho hàng ngàn học viên khiếm thị trên địa bàn cả nước.  Nhiều học viên của trung tâm sau đó đã trở thành giáo viên tin học cho người khiếm thị tại các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, An Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nội … Phúc cũng là người thiết kế trang web của Trung tâm Sao Mai (http://www.saomaicenter.org/), đồng thời cũng là webmaster của diễn đàn trang web. Trang web này đã và đang nhận được sự ủng hộ, quan tâm của rất nhiều bạn trẻ, các tổ chức xã hội ở khắp nơi  trên thế giới
    Ghi nhận lại những thành quả và những việc mà Phúc và các bạn ở Sao Mai đã làm, tôi không thể không tỏ bày sự thán phục. Mặc dù chỉ là những người mù nhưng Phúc đã khởi xướng và cùng với các cộng sự tại Sao Mai viết nên nhiều dự án có tính khả thi rất cao về mặt xã hội. Hầu hết, các dự án của Sao Mai đều đoạt giải  thưởng và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cộng đồng. Điển hình là dự án thành lập phòng in và đào tạo công nhân in sách chữ nổi (tổng kinh phí 4.000 USD đã được Hội Hỗ trợ Người tàn tật Việt Nam tài trợ); dự án thiết kế phần mềm Sao Mai Browser giúp người khiếm thị có thể đọc những trang web tiếng Việt trực tiếp trên Internet (đã nhận giải thưởng 10.000 USD trong Ngày sáng tạo VN 2003 do World Bank tổ chức); dự án thiết lập mạng lưới đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị giữa Trung tâm Sao Mai với các tỉnh Đồng Nai, Bến Tre, An Giang, Tây Ninh (đã nhận được giải thưởng 40.475 USD do tập đoàn Samsung tài trợ); dự án phần mềm soạn thảo tiếng Việt có phát âm Sao Mai Word, tổng kinh phí 10.000 USD (đã được Công ty Juniper tài trợ)…  “Là một trung tâm dạy tin học miễn phí, hoạt động phi lợi nhuận, em nghĩ  việc tham gia các cuộc thi này cũng là nhằm tìm kiếm những nguồn tài trợ cho công tác nghiên cứu, triển khai và mở rộng các dự án của trung tâm, góp phần phát triển, hoàn thiện những phần mềm dành riêng cho người khiếm thị VN và giới thiệu cho các bạn bè trong, ngoài nước”-Phúc nói.
     Không dừng lại với những ước mơ cho riêng mình, Phúc mong muốn những sản phẩm của em và Sao Mai không chỉ đến được với những người khiếm thị VN đang sống trong nước, mà còn đến với tất cả những người khiếm thị ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tài năng, sự nhiệt tình của Phúc không chỉ được các tổ chức, đoàn thể trong nước thừa nhận và nhiệt tình ủng hộ, mà các tổ chức quốc tế, nước ngoài cũng đã đánh giá rất cao những đóng góp của em. Phúc đã được mời đi tham gia nhiều diễn đàn quốc tế về người khiếm thị tại Mỹ, Singapore, Thái Lan, Malaysia... nơi mà những bài tham luận, những dự án của Phúc và các bạn tại Sao Mai luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn bè thế giới.  Với phương châm: “Công nghệ kỹ thuật số như đôi mắt của người khiếm thị, nó giúp người khiếm thị rũ bỏ các rào cản, định kiến của xã hội và giúp họ hòa nhập với cộng đồng nhanh hơn”- Phúc cùng các cộng sự của em đang nỗ lực từng ngày để góp phần giúp cho người khiếm thị có những cơ hội mới, thích nghi với sự thay đổi và phát triển không ngừng của thế giới xung quanh.
THẾ GIỚI  TÂM HỒN CỦA CHÀNG HIỆP SĨ … Gặp lại Phúc sau 3 năm, khi Phúc vừa có 1 chuyến đi dài ngày ở Malaysia để dự hội nghị “Chuẩn tiếp cận Web” (do Onnet-một tổ chức quốc tế chuyên hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin mà Phúc là một thành viên, là trưởng nhóm của khu vực Đông Nam Á) tổ chức, tôi thực sự xúc động khi nghe Phúc báo tin: “Em đã lập gia đình và vợ em vừa sinh con gái”.  Lần này thì Phúc đã không ngần ngại  kể cho tôi nghe chuyện tình của Phúc….
    Cũng như bao chàng trai trẻ, Phúc đã trải qua một mối tình đầu thơ mộng. Thế nhưng, hoàn cảnh của một chàng trai mù và nhiều trở ngại khác đã không giúp em đi đến được bến bờ hạnh phúc với người yêu đầu tiên ấy. Thế rồi năm 2003, cuộc đời đã cho Phúc may mắn gặp được Thu Trang, khi cả 2 cùng tham gia triển  một dự án về CNTT do Liên hiệp Châu Aâu tài trợ. Là nhân viên của Liên hiệp Châu Aâu trực tiếp thực hiện dự án cùng với Phúc, Thu Trang từ chỗ cảm phục tài năng của một chàng trai mù đã đem lòng yêu Phúc từ lúc nào không biết. Với Thu Trang, Phúc không chỉ đa tài, mà còn là một chàng trai  có nội tâm sâu sắc, có trái tim đa cảm và một tâm hồn phong phú, chan chứa yêu thương. “Lúc đầu gia đình em phản đối dữ lắm, nhưng tình yêu của chúng em với 5 năm thử thách đã thuyết phục được gia đình. Em yêu Phúc thật lòng và em tin là chúng em sẽ vượt qua được mọi khó khăn để nuôi dạy con thật tốt. Phúc bị mù, không nhìn thấy ánh sáng, nhưng ánh sáng từ tâm hồn và trí tuệ của anh ấy đã làm rung động trái tim em. Em tự nhủ đôi mắt của em giờ đây cũng chính là đôi mắt của Phúc, em nguyện sát cánh cùng anh ấy cho đến hết cuộc đời…”- Thu Trang trải lòng như thế khi tâm sự cùng tôi.
    Không chỉ đam mê sáng tạo với các dự án công nghệ thông tin, Phúc còn là một tay chơi trống, violon, guitare, piano  và tham gia viết nhạc rất hay. Nếu có dịp ghé qua Trung tâm Sao Mai, gặp Phúc những lúc rảnh rỗi, bạn sẽ được nghe những bài hát đầy chất tự sự và dạt dào tình cảm của em. Phúc có album Nụ tình ơi gồm 12 bài hát do chính Phúc viết lời, soạn nhạc và trình bày, những bài hát ấy Phúc không bán mà chỉ để dành tặng bạn bè và những người tri kỷ cùng em…. Bằng nghị lực, khát vọng, sự năng động của một một thanh niên đang độ tuổi  8x đầy nhiệt huyết, bay bổng với những ước mơ chan chứa tình người, Phúc và các bạn của em ở Sao Mai quả là đã và đang thật sự tìm được lối đi hữu ích không chỉ cho riêng mình….

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 6-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét