Trao Quyết định thành lập Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam
Thu Tuyết (SGGP 18-2-2012) *Đồng chí Lê Thanh Hải-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và Đồng chí Đinh La Thăng-Bộ trưởng Bộ GTVT đã đến dự lễ tặng hoa chúc mừng và trao Quyết định thành lập Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ảnh dưới).
*Ông Nguyễn Nguyên Hùng - nguyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Lê Mạnh Hùng - nguyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Bắc được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc.
Sáng ngày 18-2-2012, tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ “Trao quyết định thành lập Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam ”. Đồng chí Lê Thanh Hải-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đồng chí Đinh La Thăng-Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã đến dự lễ và trao quyết định, tặng hoa cho tân ban lãnh đạo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ảnh). Trong dịp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã trao quyết định bổ nhiệm Hội đồng thành viên cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam . Theo đó, ông Nguyễn Nguyên Hùng - nguyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Lê Mạnh Hùng - nguyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Bắc được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho biết Các cảng hàng không trải dọc theo 3 miền của đất nước, mỗi địa phương đều có vị trí, điều kiện thuận lợi riêng để phục vụ kinh doanh vận tải hàng không, đặc biệt, sự đầu tư đúng mức, đạt chuẩn theo các cấp do Tổ chức Hàng không thế giới (ICAO) quy định là rất cần thiết, nhằm nâng cao khả năng, chất lượng phục vụ hành khách, tạo điều kiện cho các hãng hàng không của Việt Nam và các nước khác mở đường bay đến các địa điểm kinh tế, văn hóa, du lịch…
Thực tế cho thấy, việc xây dựng sân bay đòi hỏi phải có mục tiêu rõ ràng và hiệu quả đầu tư của các sân bay. Đầu tư dàn trải quá nhiều sân bay tại các địa phương làm giảm đi năng lực đón khách của các cảng trọng điểm ở từng vùng miền, giảm vốn đầu tư tập trung cho các sân bay trọng điểm. Hiện nay, trong 3 tổng công ty cảng, Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung xét về nguồn lực còn rất yếu kém (cả về vốn, về hạ tầng, năng lực, nhân lực, công nghệ và trang thiết bị…). Thế nhưng, khu vực miền Trung lại đang là khu vực trọng điểm rất cần đầu tư lớn về hạ tầng hàng không để thu hút các nhà đầu tư, thu hút du khách cũng như thúc đẩy các ngành kinh tế khác, trong đó có hàng không cùng phát triển. Điển hình như tỉnh Khánh Hòa là địa danh du lịch hấp dẫn, rất nhiều hãng hàng không quốc tế rất muốn mở đường bay đến sân bay Cam Ranh. Để đáp ứng nhu cầu đó, Cảng Hàng không Cam Ranh cần phải được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, thế nhưng đơn vị quản lý Cảng Hàng không Cam Ranh là Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung lại không đủ năng lực. Vì vậy, việc hợp nhất thành một tổng công ty sẽ tập trung được nguồn lực tốt, giúp cho việc đầu tư phát triển hạ tầng ở những vùng trọng yếu như miền Trung nói chung và Cam Ranh nói riêng thuận lợi, dễ dàng hơn
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc thành lập Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam là để tập trung nguồn lực, thúc đẩy phát triển hạ tầng HK, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng HK hoạt động, thu hút các nhà đầu tư, du khách và thúc đẩy các ngành nghề kinh tế khác, trong đó có HK cùng phát triển, phấn đấu xây dựng và phát triển Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam thành một tổng công ty cảng mạnh, có uy tín không chỉ ở trong nước mà còn ở cả khu vực và quốc tế. Bộ trưởng cũng đồng thời yêu cầu Tổng công ty khẩn trưởng xây dựng điều lệ tổ chức hoạt động, quy chế tài chính của Tổng công ty; việc tổ chức lại bộ máy không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các Cảng Hàng không hiện nay và phải đảm bảo đời sống của cán bộ nhân viên bằng hoặc cao hơn so với trước đây. Chiến lược phát triển của Tổng công ty phải đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trước mắt, Tổng công ty khẩn trương hoàn thành đầu tư các Cảng Hàng không mới như Phú Quốc, Cam Ranh, Nhà ga T2 của sân bay Nội Bài... Hướng lâu dài của Tổng công ty là phải cổ phần hóa các đơn vị thành viên, kêu gọi nhiều nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào hạ tầng hàng ngành hàng không dân dụng
*Được biết, vào ngày 8-2-2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 238/QĐ-BGTVT thành lập Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị gồm: Tổng Công ty Cảng HK miền Bắc, Tổng Công ty Cảng HK miền Trung và Tổng Công ty Cảng HK miền Nam. Theo quyết định, Tổng Công ty Cảng HK Việt Nam được tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ có tên tiếng Việt là Tổng Công ty Cảng HK Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Airport Corporation of Vietnam , viết tắt là ACV) là công ty TNHH một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Trụ sở chính của tổng công ty tại Cảng HK Quốc tế Tân Sơn Nhất, Phường 2, Quận Tân Bình, TPHCM, vốn điều lệ tại thời điểm hợp nhất là 14.693,445 tỷ đồng. Tổng Công ty Cảng HK Việt Nam sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành với các ngành nghề kinh doanh là đầu tư và quản lý vốn đầu tư, trực tiếp sản xuất kinh doanh tại cảng HK, sân bay, đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị cảng HK, sân bay; cung ứng dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn HK; xuất nhập khẩu, mua bán vật tư, phụ tùng, thiết bị HK... Tại thời điểm hợp nhất, Tổng Công ty Cảng HK Việt Nam có 21 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 7 công ty con và 2 công ty liên kết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét