Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

CHUYỆN HÀNG HIỆU-KỲ 2

Snow Autumn (6-2-2012)

Câu chuyện thứ II
 *Mới đây một cô em gái xinh đẹp ngắm nghía Snow khoác chiếc túi xách mới mua rồi hỏi:
-Chị mua cái túi này ở đâu đấy?
-Ở Crescent Mall bên Phú Mỹ Hưng
-Đẹp quá, mua bao nhiêu đấy, đưa em xem hiệu gì nào?
-Hàng da, hiệu của Việt Nam mà, chị mua chưa đến 2 triệu đồng em ạ.
-Ôi, em thích quá, cái túi này bằng da thật, màu sắc và thiết kế dễ thương quá. Em nói thật, em thích dùng mấy hàng này hơn là hàng hiệu nhái chị ạ. Tính em đã xài đồ phải là đồ thật, nếu không đủ khả năng thì xài hàng Việt Nam loại tốt như vầy nè, chứ hàng nhái, dù có là Super fake đi chăng nữa em cũng chịu, em ngại nhất là bị người ta bảo “Không có tiền thì thôi còn bày đặt học đòi hàng hiệu…”.
*Một cô em khác của Snow - người đã từng đoạt giải cao ở một cuộc thi sắc đẹp thì kể:
-Có một hôm, bạn trai đưa em đến một shop thời trang cao cấp ở đường Paster, em thấy có cái túi xách Super fake hiệu Hermes đẹp mê ly luôn, em hỏi giá, bà chủ shop bảo “đúng 1000 USD”. Thấy em ngần ngừ, bạn trai em bảo “Nếu em thích thì em cứ lấy đi, anh tặng em”. Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại em quyết định không lấy cái túi đó chị ạ.
-Sao vậy? em thích và được tặng cơ mà, sao không lấy? Mà sao hàng nhái lại có giá tới 1000USD hả em?
-Đó là Super fake mà chị, cao cấp lắm, em coi kỹ lắm, không thể phân biệt được đâu chị. Bạn em có cái thật y hệt vậy nên em biết, fake nhưng là fake hiệu Hermes nên 1000USD cũng không đắt đâu chị, bạn em mua cái túi đó là hàng thật tới 25.000USD đó chị. Em không lấy, vì em nghĩ, nếu em mang cái túi đó thể nào người ta cũng biết là em xài hàng fake vì họ nghĩ em còn trẻ, chỉ là một nhân viên thì làm gì có tiền mà xài cái túi mấy trăm triệu đồng như thế, còn nếu ai đó tin là hàng thật thì họ lại nghĩ “Chắc là nhỏ này cặp với đại gia nào đó nên được tặng, chứ nó làm gì có tiền mà mua cái giỏ xách tới 500-600 triêu đồng”, vậy thì oan cho em quá. Vì thế tốt nhất là không lấy...
*Một anh bạn đồng nghiệp của Snow thì lại kể rằng:
 Anh có một bà chị nay đã gần 50 tuổi. Chị vốn là dân nhà quê, nhan sắc quá khiêm tốn nên chẳng lấy được chồng. Vậy mà chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào khi ra thành phố chị lại học đòi  xài hàng hiệu. Chị chẳng giàu có gì cho cam, bởi chị làm ở một cơ quan nhà nước và chị rât hay rêu rao than thở rằng mức lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng chị "chẳng biết sống thế nào", chả vậy mà bao nhiêu năm qua, chị cứ ở mãi trong căn hộ nhỏ xíu của một chung cư dành cho người tái định cư…
   Thế nhưng lạ lùng là niềm đam mê hàng hiệu của chị mãnh liệt lắm. Chẳng biết có phải chị tích cóp, nhịn ăn nhịn uống để mua cho bằng được những món hàng hiệu mà chị thích, hay đó chỉ là hàng fake, hàng nhái mà cứ mỗi lần mua một được món đồ nào đó là chị lại oang oang lên mạng khoe như đứa trẻ con của: “Ôi, hôm nay mình mua 1 cái túi xách mấy chục triệu đồng rồi, mình chỉ xài hàng hiệu thôi, quen rồi, không thể xài hàng thường được nữa…”. Anh nghe mà thấy tội nghiệp cho chị ấy quá, bởi anh biết chị mình giống như người chập mạch ấy. Chị đâu biết một người vừa già, vừa xấu  lại vừa nghèo như chị thì ai người ta tin chị xài hàng thật, mà nếu như có đắp hàng hiệu thật cỡ nào lên người thì chị cũng không đẹp, không sang được, chứ nói gì đến mấy thứ hàng fake, hàng nhái.
   Anh bảo bà chị đáng thương của anh chẳng hiểu được rằng bản chất của hàng hiệu vốn là hàng xa xỉ. Bởi thế nên người ta mới gọi các thương hiệu nổi tiếng là những thương hiệu hàng xa xỉ. Giá trị của món hàng hiệu nó thường vượt xa, vượt ra ngoài giá trị thật của sản phẩm, đó là danh tiếng và uy tín thương hiệu. Người ta dùng hàng hiệu không chỉ khẳng định sự am hiểu thời trang, thể hiện sự sành điệu mà còn một phần là để khẳng định sự giàu sang, khẳng định đẳng cấp của “túi tiền”. Một khi “túi tiền” của họ đạt đến đẳng cấp “có thể tiêu xài mà không phải áy náy lo toan” thì những thương hiệu hàng xa xỉ sẽ là sự lựa chọn của họ, để họ có thể tận hưởng cuộc sống, tận hưởng thành quả lao động cũng như niềm đam mê của họ....
  Thế nhưng bà chị của anh đã không hiểu được điều đó, vậy nên đôi khi chị giống như  người dở dở ương ương, khi thì than nghèo, lương ít, khi thì lại hứng chí khoe của, khoe hàng hiệu hầm bà lằng, khiến bạn bè và bà con chòm xóm cảm thấy nực cười không ít.
  Nghe câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp, Snow lại được hiểu thêm về một “tín đồ” hàng hiệu, và Snow copy luôn 1 đoạn bài báo đăng trên tờ Tuổi trẻ dưới đây để mọi người tham khảo nhé:
   *Công ty nghiên cứu thị trường Epinion vừa thực hiện một khảo sát với 1.000 nữ giới có độ tuổi 18-30 tại TP.HCM. Kết quả cho thấy 39% người tiêu dùng sẵn sàng chọn mua những thương hiệu thời trang nổi tiếng khi có thể. Trong khi đó, 27% người tiêu dùng cũng thích hàng hiệu, nhưng vì yếu tố giá cả nên chọn mua sản phẩm là hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng. Nhà thiết kế trẻ Phạm Đăng Anh Thư cho rằng chuyện ăn mặc đẹp và sang trọng là nhu cầu chính đáng của mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ - vì đây là lứa tuổi rất thích làm đẹp. “Nếu một người làm ra nhiều tiền, có địa vị và cần quần áo phù hợp với mình khi đi tiệc, gặp mặt đối tác cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chuyện chạy đua mua cho được các món đồ đắt tiền quá mức thu nhập bình thường hay quá phụ thuộc hàng hiệu mà quên mất có phù hợp với mình không lại là chuyện không hay” - Anh Thư nói thêm.
   Còn nhà thiết kế Vincent Đoàn cho biết anh từng gặp rất nhiều bạn trẻ phát cuồng, nghiện hàng hiệu. Họ mua sắm theo kiểu “tôi phải có” một món hàng hiệu hoặc chấp nhận sử dụng hàng nhái như một cách tự thỏa mãn nhu cầu thương hiệu. Anh Vincent Đoàn lý giải: “Đẹp không đồng nghĩa với chuyện mặc đồ đắt tiền. Điều quan trọng là chọn quần áo thoải mái khi ngồi trong văn phòng, phù hợp với nghề nghiệp và cá tính của bản thân”.
Theo PHI LONG (Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét