Nguyễn Hùng Dũng sinh năm Nhâm Dần, 1962. Và chả hiểu tại sao, anh mê biển từ khi còn học phổ thông, chỉ ước mơ được đi trên những con tàu viễn dương để được thỏa chí tang bồng...Tết này, PTSC đón tết hẳn là vui vì đơn vị hoàn thành kế hoạch cả năm trước hai tháng. Không biết người thuyền trưởng Nguyễn Hùng Dũng có được đón xuân ở nhà với vợ con không hay là lại “Nhổ neo ra khơi…”.
“…Nắng tháng Bảy như có thằng điên nào ngồi trên trời ném than hồng xuống đất.
Chuyến tàu từ Hà Nội tới ga Hải Phòng vào đầu giờ chiều.
Trong số hành khách xuống tàu, có một phụ nữ vai đeo túi du lịch, một tay bế đứa con gái hơn một tuổi. Tay kia dắt thằng bé khoảng sáu tuổi. Thằng bé phải cõng trên lưng chiếc balô nhỏ, trong đó, chắc là quần áo của nó.
Chị là cán bộ kế toán của một công ty ở Hà Nội. Và hôm nay, chị đưa hai đứa con nhỏ xuống Hải Phòng đón chồng – một sĩ quan của một con tàu chuyên đi chở hàng hóa, thiết bị cho các giàn khoan.
Chồng chị, một chàng trai Hà Nội nhưng lại có máu lãng du và mê biển cả đến mức như “phải lòng”, nên quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển.
Và cứ khi về nhà, bài hát mà anh hay hát nhất là bài “Tâm tình người thủy thủ” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Bài hát có giai điệu mượt mà và lời lãng mạn, lãng mạn đến mức mà trong những năm tháng chống Mỹ, bài hát đã bị cấm bởi những ca từ như sau: “Nhổ neo ra khơi. Đêm nay khi trăng mọc. Tàu anh sẽ nhổ neo ra khơi. Tạm biệt em yêu, vẫy chào thành phố cảng thân yêu. Em hỡi, chớ hỏi anh nhiều, em đừng hỏi rằng vì sao anh ra đi… Nhổ neo ra khơi, anh biết rằng nếu ở cuối trời. Dù có những hòn đảo thần tiên đầy châu báu… Có người thiếu nữ môi hồng như san hô, cũng không thể làm anh xa được em yêu. Nhưng em ơi, nếu có chàng trai, chưa từng qua sóng gió. Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian nan. Có lẽ nào, xứng với tình em…”. Trong lòng chị luôn ấm ức một nỗi hờn ghen rằng, hình như anh yêu biển hơn yêu vợ.
Hai ngày trước, từ trên tàu, anh gọi điện bằng hệ thống Icom báo cho chị biết là anh sẽ về cảng hôm nay. Nhưng anh chỉ được ở lại có một ngày rồi đi. Anh nhớ vợ và hai con quá, cho nên muốn chị mang con xuống Hải Phòng… Thế là chị xin nghỉ làm để đưa con xuống đón chồng…
Ba mẹ con lếch thếch dắt nhau ra khỏi ga và lên một chiếc xích lô đi ra cảng Hải Phòng. Từ ngoài cổng cảng, ba mẹ con lại dắt nhau đi vào khu làm việc của công ty. Thằng bé con mặt đỏ dừ vì nắng. Nhưng vì có niềm vui sắp được gặp bố – một thủy thủ – xa nhà đã lâu ngày, nên nó vẫn cắm cúi bước. Người mẹ thỉnh thoảng lại đổi tay bế con cho đỡ mỏi.
Ba mẹ con vào một văn phòng.
Người trực văn phòng đón ba mẹ con bằng ánh mắt ái ngại. Anh rót nước cho họ uống rồi nói khó nhọc từng tiếng: “Chị ạ. Tàu anh ấy về từ trưa. Nhưng khi vừa cập cảng lại có điện của giám đốc yêu cầu mang thiết bị cho một giàn khoan gấp, thế là lại đi luôn. Anh ấy gọi điện về, bảo chị đừng buồn. Chắc chục ngày nữa tàu về bờ bảo dưỡng, anh ấy sẽ về ở nhà lâu…”.
Chị ngồi lặng lẽ và thấy thương chồng, thương con muốn trào nước mắt. Thằng bé thì cứ hỏi: “Bố đâu hả mẹ?”. Chị đành nói dối con: “Bố về muộn. Bố bảo mẹ con mình cứ về Hà Nội, tối bố về”.
Thế rồi ba mẹ con lại lếch thếch ra ga và đi chuyến tàu chiều về Hà Nội…”.
***
Đọc những dòng trên, hẳn bạn đọc nghĩ rằng đây là trích kịch bản của một bộ phim truyện nào đó.
Không, đây là câu chuyện có thực và từ gần hai chục năm trước. Người thuyền trưởng đó là Nguyễn Hùng Dũng, nay đang là Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Còn người vợ của anh là chị Bùi Kim Dung, một cán bộ tài chính của Tổng Công ty Đầu tư Tài chính Dầu khí (PVFC). Câu chuyện nhỏ trên tôi được nghe từ mấy ông bạn văn, mà trong đó có những người “mê” Nguyễn Hùng Dũng. Gặp anh, nhìn vóc người cao lớn, gương mặt cương nghị, có cặp mắt lúc nào cũng lấp lánh ánh cười và đặc biệt là có bộ râu rất quyến rũ (chẳng hiểu có phải vì thế mà anh có biệt danh Dũng “râu” không?), tôi cứ thoáng nghĩ, giá mà Dũng có duyên đi làm diễn viên thì chắc cũng sẽ dễ trở thành “sao”.
Một lần, tôi nói với nhà báo Xuân Ba điều đó, ông lườm tôi một cái tưởng rách cả mắt và rằng: “Thằng dốt. Người như thế đi làm diễn viên cho phí. Đó là kẻ lãng du, là người của biển. Mày hiểu chưa?”. Nghe Xuân Ba nói, tôi thấy sao mà đúng thế. Ồ, đúng thật, Nguyễn Hùng Dũng là kẻ lãng du, là người của biển. Mà cái nghiệp thủy thủ, có lẽ cũng chỉ hợp với những ai có máu lãng du, pha chút liều lĩnh và phảng phất chất giang hồ. Dù chỉ “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Mới thấy hơi cơm đã nhớ nhà”.
Nguyễn Hùng Dũng sinh năm Nhâm Dần, 1962. Và chả hiểu tại sao, anh mê biển từ khi còn học phổ thông, chỉ ước mơ được đi trên những con tàu viễn dương để được thỏa chí tang bồng. Thế là học xong lớp 10 ở một trường danh tiếng Hà Nội là Trường Việt – Đức, Dũng thi Đại học Hàng hải và xuống Hải Phòng học. Hàng tuần, anh lại lên tàu về Hà Nội và cứ khi xuống ga Trần Quý Cáp, thì lại có một người con gái dắt xe đạp đợi anh… Người đó là Bùi Kim Dung, một người bạn học.
Trong những năm học đại học, Dũng là người học hành chểnh mảng, điểm học thì lên xuống như sóng biển, khi tốt nghiệp gia đình muốn anh ở lại trường để học tập và rèn luyện thêm, nhưng với Dũng, ở lại trường làm thầy giáo thì khác gì bắt cá biển nhốt vào bể, vậy là anh dứt khoát từ chối và đi ra biển.
Nhưng người có máu lãng du thì lại hay vấp phải sóng gió cuộc đời.
Không chịu ở lại làm thầy, Dũng đi làm thủy thủ tàu viễn dương của Tổng Công ty Vận tải biển VOSCO. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, được làm thủy thủ tàu viễn dương là ước mơ của vô vàn thanh niên. Không những được thỏa sức lang thang đi đến những vùng đất thần tiên mà cũng là nghề có cơ hội làm giàu. Nhưng đi tàu viễn dương được một năm, chả hiểu sao Dũng thấy chán và thế là anh nhảy sang làm thuyền trưởng một con tàu đánh cá loại 450 mã lực thuộc Bộ Thủy sản.
Gần 5 năm lênh đênh trên tàu đánh cá, sóng gió biển khơi và những gian khổ của nghề thủy thủ đã rèn luyện cho Dũng trở thành một thuyền trưởng có bản lĩnh và thuộc luồng lạch, sóng gió vùng biển thềm lục địa Việt Nam như thuộc căn nhà mình. Những ngày đi tàu đánh cá, Dũng thấy sự đổi thay từng ngày trên vùng biển thềm lục địa của nước nhà, ấy là những giàn khoan mọc lên ngày càng nhiều, kèm theo đó là sự tấp nập của đủ các loại tàu phục vụ cho ngành Dầu khí. Và thế là bỗng dưng Dũng thấy chán mùi cá tanh nồng, chán cảnh làm ăn phập phù và xem ra ngày càng khó. Cứ mỗi khi tàu đi qua các giàn khoan, anh lại ước mơ có một ngày được làm việc ở các giàn khoan.
Biết tài của Dũng cũng như phẩm chất đáng quý và cần có của một thuyền trưởng như anh, một người bạn đã giới thiệu anh về Xí nghiệp Tàu Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí.
Tàu dịch vụ cho giàn khoan là tàu chuyên làm nhiệm vụ chở các thiết bị kỹ thuật và vật tư cần thiết cho giàn khoan. Do đặc điểm công việc cho nên tàu dịch vụ thường phải cập vào chân các giàn khoan để cho cần cẩu trên giàn đưa hàng lên. Đưa tàu vào chân giàn khoan là công việc cực kỳ khó và đòi hỏi người thuyền trưởng phải có tay nghề cao và đặc biệt là phải xử lý tình huống giỏi. Nếu như trên tàu hàng, thuyền trưởng đứng chỉ huy và ra mệnh lệnh điều khiển thì tàu dịch vụ, người thuyền trưởng phải trực tiếp cầm lái và tự mình quyết định xử lý tất cả mọi việc. Sở dĩ phải như vậy, bởi lẽ khi con tàu vào giàn khoan, khoảng cách giữa tàu và chân đế giàn có khi chỉ còn là vài chục mét, trong lúc sóng biển cao hàng mét, thì việc hô hét, truyền mệnh lệnh sẽ làm mất thời gian và chỉ cần chậm tích tắc là con tàu cả ngàn tấn đã có thể bị sóng đánh va vào chân đế giàn khoan và khi đó hậu quả sẽ là khôn lường. Khi trời yên biển lặng, điều tàu vào thì không khó khăn lắm, nhưng khi biển động, sóng dựng như núi, gió thổi bạt cả người, đó mới là lúc thử thách bản lĩnh người thuyền trưởng. Ngày ấy, hầu hết tàu dịch vụ ta phải thuê thuyền trưởng một số vị trí chủ chốt là người nước ngoài. Và tất nhiên, mức lương của họ cũng cao ngất ngưởng.
Một điều may mắn cho Nguyễn Hùng Dũng là khi anh làm trên con tàu OSA đã được một thuyền trưởng người Mỹ nhiệt tình “truyền nghề” điều tàu. Sở dĩ ông thuyền trưởng này thích anh vì thấy anh từng là thuyền trưởng, lại thông minh, nhanh nhẹn và không nề hà bất cứ việc gì, đặc biệt là Dũng được anh em cả Tây lẫn ta quý mến bởi cách sống hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ cộng sự. Ông thuyền trưởng này có cách kiểm tra tính cẩn thận của nhân viên rất khác người. Ấy là ông luôn đút trong túi quần một chiếc khăn bông trắng. Thấy một người lau sàn tàu xong, có khi ông lấy khăn ra lau lại xem còn bẩn đến mức nào?
Sau nhiều lần thử thách và thậm chí giao cho Dũng chỉ huy tàu vào giàn khoan trong lúc biển động, ông đã trực tiếp nói với ông Nguyễn Quang Thường, Giám đốc Xí nghiệp (và sau là Phó tổng giám đốc Tập đoàn), để đề bạt anh lên Đại phó (Thuyền phó Nhất).
Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với Nguyễn Hùng Dũng ấy là khi anh đi tàu Mimosa, một con tàu mà xí nghiệp phải thuê của nước ngoài. Tàu ra giàn khoan ba chân ở mỏ Bạch Hổ. Thuyền trưởng là người nước ngoài. Ra đến giàn khoan thì gặp thời tiết xấu, cho nên tàu không thể thả neo. Mà không đưa được thiết bị lên giàn thì có nghĩa là cả giàn khoan phải ngừng làm việc. Trong hoàn cảnh đó, buộc tàu phải vào để dỡ hàng, mà khi tàu vào trong điều kiện thời tiết trên nước, trên gió thì bao giờ cũng cực kỳ khó khăn. Đúng lúc vào gần giàn thì tàu mất điều khiển, chân vịt mũi không hoạt động. Ông thuyền trưởng cuống lên, không điều khiển nổi tàu. Trong phút nguy cấp, các thủy thủ chỉ còn biết nhìn Dũng cầu cứu. Thế là Dũng giành lấy quyền điều khiển. Không có chân vịt mũi để điều khiển cho tàu đứng yên, vậy mà anh vẫn điều khiển được con tàu mặc dù có lúc sóng đánh dạt vào chỉ cách chân đế giàn vài mét.
Việc thay thế thuyền trưởng nước ngoài điều tàu ra giàn khoan trong thời tiết xấu, chuyện xử lý tàu mắc cạn, chuyện đưa tàu vào bến mà khoảng cách giữa đuôi tàu và mũi tàu với tàu khác chỉ còn… nửa mét của Dũng đã được anh em truyền tụng đến mức như huyền thoại.
Những năm tháng đi tàu đã tạo cho Nguyễn Hùng Dũng một bản lĩnh vững vàng hiếm có. Thuyền trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của con tàu cũng như sinh mệnh của các thủy thủ. Thậm chí, khi thuyền trưởng giao quyền chỉ huy cho thuyền phó, nhưng khi gặp sự cố, thì thuyền trưởng vẫn là người phải chịu trách nhiệm cao nhất. Người thuyền trưởng là người đầu tiên ra các quyết định xử lý trên tàu và là người cuối cùng rời tàu khi con tàu đắm. Người thuyền trưởng không được phép đổ lỗi và phải cực kỳ quyết đoán, đặc biệt là mỗi khi gặp khó khăn, không được phép bàn lùi. Và trong bất luận hoàn cảnh nào, người thuyền trưởng phải là chỗ dựa của mọi người.
Có một câu chuyện nhỏ thế này.
Vào dịp tháng 5 vừa rồi, lúc tàu Bình Minh 02 đang thu nổ địa chấn thì bị tàu hải giám Trung Quốc xông vào cắt cáp. Trong giờ phút căng thẳng tột độ như thế thì chính những mệnh lệnh và lời nói của Nguyễn Hùng Dũng đã như liều thuốc tăng lực cho cán bộ, công nhân viên trên tàu. Một thủy thủ trên tàu và là cộng tác viên của Báo Năng lượng Mới đã nói với chúng tôi: “Lúc ấy, được nghe tiếng anh Dũng qua máy “Anh và mọi người đang ở bên các em đây”, là chúng em vững tâm hẳn”.
Người ta bảo nghề thủy thủ tạo cho con người ta kiểu “ăn sóng nói gió”, với rất nhiều người chắc là không sai, nhưng với Nguyễn Hùng Dũng thì chưa hẳn đúng. Ai từng được nghe Dũng đọc những bài thơ về biển, hát những bài ca về thủy thủ và nghe anh sôi nổi đàm đạo chuyện văn chương, thơ phú với dân văn nghệ sĩ thì ắt phải thay đổi quan niệm đó.
Có lẽ chính phẩm chất của người thuyền trưởng đã giúp anh rất nhiều và tạo nên những bản lĩnh của Nguyễn Hùng Dũng khi anh được giao trọng trách là Tổng giám đốc PTSC, một đơn vị có bề dày truyền thống. Và từ năm 2008 cho tới nay, người thuyền trưởng Nguyễn Hùng Dũng đã cùng tập thể thủy thủ đưa con tàu PTSC đạt được những kết quả to lớn. Năm sau kết quả sản xuất kinh doanh cao hơn năm trước đến 30% và là một đơn vị có doanh thu dịch vụ nhất nhì trong Tập đoàn. Ghi nhận những thành tích và nỗ lực phấn đấu của tập thể người lao động Tổng Công ty PTSC, ngày 28/5/2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng Tổng Công ty PTSC danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ngày trước, làm thủy thủ, Nguyễn Hùng Dũng thường xa nhà biền biệt, thì bây giờ, làm Tổng giám đốc, anh lại biền biệt xa nhà. Người mà Dũng hãi nhất chính là cô con gái. Đã có một lần, chỉ vì câu hỏi của con gái mà anh không dám rời khỏi nhà một tuần và ăn đủ một tuần bữa sáng – trưa – chiều, mặc dù suốt ngày ù tai vì điện thoại của các ông bạn, nhất là từ những người như ông Xuân Ba gọi. Ấy là khi anh nghe được câu con gái hỏi mẹ: “Mẹ ơi, từ giờ đến tết bố có ăn cơm ở nhà không? Con thích được ăn cơm với bố lắm”.
Tết này, PTSC đón tết hẳn là vui vì đơn vị hoàn thành kế hoạch cả năm trước hai tháng. Không biết người thuyền trưởng Nguyễn Hùng Dũng có được đón xuân ở nhà với vợ con không hay là lại “Nhổ neo ra khơi…”.
theo Nguyễn Như Phong (Năng Lượng Mới-Xuân Nhâm Thìn 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét