DOANH NGHIỆP NỖ LỰC VƯỢT KHÓ
*"NHÀ GIÀU" CŨNG TIẾT KIỆM TỐI ĐA...
Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 12-3-2012)
*Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn, từng được mệnh danh là "nhà giàu" cũng đang nỗ lực tiết kiệm tối đa. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí đã đưa ra một chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí với tổng giá trị tiền cam kết tiết kiệm chi tiêu lên tới 3.715 tỷ đồng...
*Hơn ai hết, doanh nghiệp phải tự đánh giá và nhìn nhận mình một cách thấu đáo xem đâu là mặt mạnh, đâu là mặt yếu, đâu là khó khăn, tồn tại để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ và cùng nỗ lực phấn đấu thì chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn…
RÀ SOÁT TỰ ĐÁNH GIÁ CHÍNH MÌNH
Trước tình hình kinh tế và chính trị trên thế giới có nhiều biến động, giá dầu mỏ và các loại nhiên liệu liên tục leo thang, các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp và được dự báo là khốc liệt hơn nhiều so với những năm trước đây bởi tác động của giá xăng dầu, nhiên liệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chi phí đầu vào, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng vì thế mà khó khăn hơn gấp bội phần. Trong phiên họp thường kỳ gần đây, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp về chính sách tiền tệ, nhấn mạnh việc cắt giảm đầu tư, chi tiêu công, kêu gọi các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất để không tăng giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát… Theo đó, các doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất kinh doanh trên cơ sở tiềm năng của mình, tính toán kỹ các chi phí đầu vào để từ đó có hướng sản xuất kinh doanh cụ thể trên cơ sở tiết giảm tối đa chi phí sản xuất (xăng xe, điện, nước…), hoặc sắp xếp bố trí nguồn nhân lực phù hợp với các vị trí quản lý, sản xuất… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin về thị trường trong và ngoài nước để dự báo tình hình diễn biến thị trường mà có hướng phát triển đúng đắn, phù hơp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường...
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều có một mức độ ảnh hưởng, chi phối khác nhau. Do vậy, hơn ai hết, doanh nghiệp phải tự đánh giá và nhìn nhận mình một cách thấu đáo xem đâu là mặt mạnh, đâu là khó khăn, tồn tại để tháo gỡ. Những khó khăn hiện nay là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp, thế nhưng mỗi doanh nghiệp biết nhận biết rõ về điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết cách đặt nghị lực, niềm tin, ý chí của mình vào đúng chỗ để vượt qua khó khăn, biến khó khăn thành cơ hội khẳng định mình để từ đó có những quyết định mang tính chiến lược, chiến thuật giúp cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhận định đúng thời cơ, thách thức cùng hướng chỉ đạo phù hợp và sự nỗ lực của các doanh nghiệp chắc chắn doanh nghiệp vẫn sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“NHÀ GIÀU” CŨNG PHẢI TIẾT KIỆM TỐI ĐA
Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế cũng phải tiết kiệm tối đa. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí đã đưa ra một chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí với tổng giá trị tiền cam kết tiết kiệm chi tiêu lên tới 3.715 tỷ đồng. Trong đó, việc tiết giảm chi phí từ cải tiến, hợp lý hoá sản xuất và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng được tập đoàn này đặt mục tiêu phấn đấu tiết giảm lên tới 2.656,0 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn Dầu khí đã và đang tiến hành rà soát, hiệu chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị. Hợp lý hoá sản xuất, thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng đúng và vượt tiến độ trên cơ sở tối ưu hóa quy trình công nghệ, chuẩn bị nhân lực, vật tư và phụ tùng. Cải tiến phương pháp thi công, xây lắp theo hướng chuyên nghiệp, đưa các công trình mới vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ. Rà soát vật tư dự trữ, phối hợp với các đơn vị trong ngành huy động tối đa vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển để đưa vào sản xuất. Một điểm đáng lưu ý nữa trong chương trình nỗ lực tiết kiệm của Tập đoàn dầu khí là thắt chặt định mức chi tiêu, sử dụng ô tô, điện thoại, trang bị tài sản…Lồng ghép các nội dung hội họp để rút ngắn thời gian hội nghị, tiết kiệm chi phí. Chưa hết, tập đoàn chỉ tổ chức hội thảo, hội nghị ở trụ sở chính của đơn vị hoặc sử dụng cơ sở của các đơn vị trong tập đoàn và tăng cường xử lý công việc bằng giao ban trực tuyến, bằng đường công vụ, cử cán bộ đi công tác đúng đối tượng, đúng số lượng... để tiết kiệm công tác phí.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Phùng Đình Thực cho biết, cùng với công tác thực hành tiết kiệm, Tập đoàn Dầu khí còn xúc tiến xây dựng và tổ chức thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tập đoàn đã hoàn thành xác định cụ thể về các nguyên tắc và nội dung cơ bản tái cấu trúc doanh nghiệp trong toàn tập đoàn. Theo đó mục tiêu của tái cấu trúc là xây dựng tập đoàn xứng tầm trụ cột của kinh tế nhà nước, là một tập đoàn kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, tối ưu hóa việc sử dụng mọi nguồn lực sẵn có, xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc-hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi để gia tăng giá trị tài nguyên dầu khí, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và đi đầu trong công tác an sinh xã hội…
ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA PHÁT HUY SÁNG KIẾN CẢI TIẾN KỸ THUẬT
Ở Tập đoàn Cao su, việc nỗ lực vượt khó được ghi nhận bằng các phong trào thi đua lao động sản xuất và thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm đạt được hiệu quả cao trong lao động. Đặc biệt phong trào thi đua “Sáng kiến – Cải tiến – Kỹ thuật – Tiết kiệm” luôn được lãnh đạo tập đoàn chú trọng. Mới đây, tập đoàn đã tiếp nhận 15 đề tài, sáng kiến, trong đó có các đề tài được trao giải cấp toàn quốc như: Công ty Cao su Phước Hòa với đề tài “Ứng dụng vi sóng để xác định Mooney Vicosity nguyên liệu mủ nước trong sản xuất SVRCV”; Công ty Cao su Bình Long với đề tài “Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong việc cải tiến lò sấy mủ cao su thiên nhiên” và Công ty V Cao su Kon Tum với “Cải tiến phương pháp gắn nguyên liệu trang bị máy che mưa và công thức pha chế keo bôi trên máng, mái che mưa cây cao su”, Công ty Cao su Hà Tĩnh với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng GIS xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý và kinh doanh trồng rừng cao su” …. Và nhiều đề tài sáng tạo khác ứng dụng trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Trần Ngọc Thuận cho biết, các sáng kiến này đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn. Nó không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn giúp cho các đơn vị thành viên của tập đoàn thực hiện tốt các giải pháp rút ngắn chu kỳ chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, nâng cao năng suất sản lượng vườn cây khai thác và thu nhập cho người lao động… Đây cũng chính là động lực, là cơ sở để các đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin hiện đại, giúp phát huy sang kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả tốt nhất cho sản xuất kinh doanh…