Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

NGUYỄN HÙNG DŨNG: ĐẴNG CẤP KỸ THUẬT DẦU KHÍ VN

  
NGUYỄN HÙNG DŨNG: ĐẴNG CẤP KỸ THUẬT DẦU KHÍ VN

 Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 10-2010)
Nguyễn Hùng Dũng-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam không phải là người quá giỏi về kỹ thuật, thế nhưng chính anh là người đã tập hợp và phát huy được tài năng, trí tuệ kỹ thuật Việt, đưa ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam lên ngang tầm thế giới, nhiều người trong ngành gọi đó là “Đẳng cấp kỹ thuật Việt”… 
PTSC chiếm lĩnh thị trường trong nước
Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Dũng 
  Thật tình mà nói, trong tất cả các doanh nhân quen biết thì Nguyễn Hùng Dũng là người mà tôi thân thiết nhất, dù rằng anh chẳng có nhiều thời gian để cho tôi có thể dễ dàng hẹn gặp. Là “thủ lĩnh” của một tổng công ty lớn, quản lý tới 24 đơn vị thành viên hoạt động không chỉ rộng khắp đất nước mà còn cả ở nhiều nơi trên thế giới, nên Nguyễn Hùng Dũng luôn là người “trên từng cây số”. Thời gian anh đi công tác có lẽ nhiều hơn thời gian anh làm việc tại trụ sở chính của PTSC ở TPHCM. Vì vậy cứ mỗi lần cần gặp anh, tôi lại điện thoại hỏi “Anh đang ở đâu? Bao giờ anh mới về Sài Gòn?”. Và khi biết anh đã có mặt ở Sài Gòn, để muốn chắc chắn, tôi lại thường hay hỏi: “Anh có rảnh không cho em gặp…”, câu trả lời của anh bao giờ cũng là “Thôi thì em cứ đến đi, không sao đâu”  và tôi biết, để có được câu trả lời này anh đã rất cố gắng để thu xếp cho tôi được gặp.  Vì biết Nguyễn Hùng Dũng thường đến cơ quan rất sớm, thông thường chỉ 7-7h30 sáng là anh đã có mặt ở phòng làm việc, nên  để có thể chắc chắn gặp được anh, tôi cũng thường đến cơ quan anh vào khoảng thời gian đó, trước giờ làm việc và cả trước khi anh bước vào các cuộc họp, hoặc phải ngồi giải quyết cả núi hồ sơ, giấy tờ chất chồng trên bàn làm việc. Nguyễn Hùng Dũng nói với tôi rằng:“Anh đi làm sớm là để có thể kéo dài thời gian làm việc trong ngày thêm 1 tiếng nữa em ạ, nếu không thì đôi khi không làm hết việc, mà tính anh thì không thể rề rà, những việc cần thiết thì phải được giải quyết rốt ráo trong ngày”. Một phó tổng giám đốc của PTSC cho biết, thói quen đi làm sớm của Nguyễn Hùng Dũng đã có tác dụng rất tích cực đến CBCNV trong cơ quan, hầu như ban tổng giam đốc và các cán bộ trưởng phó phòng ban của PTSC cũng đều có mặt tại cơ quan cùng vào thời điểm đó. Trước giờ làm việc mỗi ngày, Nguyễn Hùng Dũng luôn có cuộc giao ban ngắn với các cán bộ chủ chốt, “Cách làm này rất hay, nó giúp cho công việc được triển khai, giải quyết một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao ngay trong ngày, không để tồn đọng, kéo dài lâu.”-vị phó tổng giám đốc của PTSC nhận xét. Thực tế cho thấy, đội ngũ lao động ở PTSC là đội ngũ lao động chất xám, là trí thức trình độ cao, vì vậy, Nguyễn Hùng Dũng luôn biết cách trân trọng họ, luôn biết cách quan tâm để nâng cao hơn nữa đời sống, điều kiện làm việc của đội ngũ lao động này, nhằm giúp họ có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Và cũng chính anh là  người đã tiếp thêm cho họ niềm tin, niềm tự hào về một đơn vị anh hùng, tự hào về thương hiệu PTSC danh tiếng để họ phát huy hơn nữa tính tiên phong và khả năng sáng tạo, làm ra nhiều lợi ích thiết thực hơn không chỉ cho PTSC, cho ngành dầu khí mà còn cho cả quê hương, đất nước.    Khi đề cập đến vấn đề này, trong một lần trò chuyện thân tình, tổng giám đốc một công ty liên doanh có quan hệ hợp tác với PTSC nói với tôi rằng: “Công bằng mà nói, Nguyễn Hùng Dũng không phải là người quá giỏi về kỹ thuật, thế nhưng chính anh ấy là người đã tập hợp và phát huy được tài năng, trí tuệ kỹ thuật Việt, đưa ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam lên ngang tầm thế giới và chúng tôi gọi đó là đẵng cấp kỹ thuật Việt”.
  Quả vậy, là một trong số những tổng công ty trụ cột của ngành dầu khí, thời gian qua, PTSC nổi bật lên bởi tính tiên phong của một đơn vị anh hùng. Thương hiệu PTSC đã nổi tiếng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn nổi tiếng và được thị trường thế giới ưa chuộng, được biết đến với nhiều cái nhất rất đáng tự hào. Hiện nay PTSC là đơn vị đầu tiên và là duy nhất sở hữu, vận hành và khai thác đội tàu dịch vụ 40 chiếc chuyên dụng đa năng phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.  PTSC hiện cũng là đơn vị duy nhất sở hữu hệ thống căn cứ 6 cảng dịch vụ hậu cần cho ngành dầu khí trải dài từ Bắc – Trung – Nam, là  doanh nghiệp  duy nhất tại Việt Nam sở hữu và vận hành kho chứa, xử lý và xuất dầu thô (FPSO/FSO). Đặc biệt, PTSC còn là đơn vị Việt Nam duy nhất có khả năng thiết kế, mua sắm, chế tạo, đấu nối, chạy thử các giàn khai thác dầu khí… Trong những năm qua, PTSC đã thực hiện thành công, đúng tiến độ nhiều công trình, nhiều dự án phức tạp cho các nhà thầu dầu khí trong, ngoài nước và hiện nay PTSC đã đủ năng lực để đảm nhận vai trò tổng thầu cho các công trình dầu khí lớn với hàm lượng kỹ thuật ngày càng cao.
       Bên cạnh nhiệm vụ chiếm lĩnh và giữ vững thị trường trong nước, PTSC cũng luôn chú trọng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật dầu khí ra nước ngoài. Chính PTSC là doanh nghiệp Việt Nam đưa dịch vụ kỹ thuật dầu khí ra nước ngoài sớm nhất. Hiện nay, PTSC đã thực hiện được nhiều công trình, dự án lớn xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài như Dự án đóng giàn khai thác cho Talisman Malaysia, cung cấp tàu Bình Minh đi làm việc dài hạn tại Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Nga, cung cấp tàu DP2 cho Malaysia, đầu tư kho chứa FSO/FPSO sang Malaysia… và PTSC cũng là đơn vị tiên phong trong việc mở các chi nhánh tại nước ngoài như Cuba, Venezuela, Malaysia… Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử 17 năm phát triển của mình, PTSC đã tạo dựng thành công hệ thống các dịch vụ kỹ thuật phục vụ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam. Các hệ thống dịch vụ kỹ thuật này đã góp phần tích cực vào kết quả khai thác dầu khí của Việt Nam, khẳng định được vị thế hàng đầu của PTSC trong ngành dầu khí. PTSC hiện đã tiến ra biển lớn và đang phát triển mạnh mẽ  hơn để làm chủ biển lớn, hội nhập sâu rộng hơn trên thị trường quốc tế và  sự phát triển hết sức ấn tượng, mạnh mẽ đó của PTSC có công sức đóng góp vô cùng lớn lao của Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Dũng.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

NỬA THẾ KỶ NGÀNH DẦU KHÍ THỰC HIỆN MONG ƯỚC CỦA BÁC HỒ

Kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống Ngành Dầu khí
Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2011)

NỬA THẾ KỶ NGÀNH DẦU KHÍ VN

THỰC HIỆN MONG ƯỚC CỦA BÁC HỒ

Phùng Đình Thực.
  Bí thư Đảng ủy,
                                                    Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN

Một thế kỷ trước, dầu mỏ ở Việt Nam là giấc mơ xa vời của người    Pháp. Ngay khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, dựa vào một số tài liệu ít ỏi (từ kho lưu trữ tài liệu cũ) của các nhà địa chất Pháp, bằng linh cảm tuyệt vời và tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chủ tịch đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để góp phần  phát triển một nước Việt Nam giàu mạnh.
Mong ước và mục tiêu của Người
Trong chuyến thăm Liên Xô ngày  23-7-1959, tại khu công nghiệp dầu khí Bacu (Azerbaizan), Người nói: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaizan nói riêng phải giúp Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh”.
Theo đề nghị của Việt Nam, từ năm 1959, Liên Xô đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm sang nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí; đào tạo cán bộ Việt Nam. Những đánh giá của các chuyên gia Liên Xô làm hiển hiện ngày một rõ hơn tiên đoán của Hồ Chủ tịch. Tầm nhìn và mong ước của Người đã trở thành mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Ngành Dầu khí Việt Nam.
Những bước đường hiện thực hóa mong ước của Người
Ngày 27-11-1961, Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 chính thức ra đời theo Quyết định số 271-ĐC của Tổng cục Địa chất Việt Nam (ngày này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày truyền thống của Ngành Dầu khí Việt Nam). Ngày 9-10-1969, Liên đoàn Địa chất 36 được thành lập theo Quyết định số 203/CP của Hội đồng Chính phủ – đánh dấu những chặng đường đầu tiên của Ngành Dầu khí Việt Nam.
Chỉ 3 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Tiếp theo, ngày 03/9/1975 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam – tổ chức thống nhất về dầu khí cho cả nước – với mục tiêu: “Nhanh chóng tìm ra và khai thác nhiều dầu khí... nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khi phục vụ Ngành Dầu khí...”.
Trong 15 năm (từ tháng 9-1975 đến 6-1990), Tổng cục Dầu khí đã  tiến hành thăm dò dầu khí trên đất liền và hợp tác với các công ty dầu khí phương Tây thăm dò một số lô ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Ngày 19-4-1981, những mét khối khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải – C, tỉnh Thái Bình được khai thác dẫn đến trạm tua-bin khí phát điện. Ngày 26-6-1986, tấn dầu thô đầu tiên, do Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro khai thác từ mỏ Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam, ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới. Dầu khí Việt Nam bắt đầu góp phần quan trọng vào khắc phục khủng hoảng kinh tế – xã hội trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây cấm vận. Nghị quyết 15-NQ/TW (7-7-1988) của Bộ Chính trị đã thổi “luồng gió mới” vào hoạt động khai thác dầu khí. Nhiều công ty dầu khí phương Tây đã bắt đầu trở lại Việt Nam. Đồng thời với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, những cở sở dịch vụ dầu khí đầu tiên được xây dựng... Nền móng của Ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam được hình thành.
Ngày 6-7-1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định (số 250-HĐBT) thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Đây là sự kiện có tính bước ngoặt của Ngành Dầu khí Việt Nam – chuyển từ vai trò quản lý nhà nước và triển khai các công việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí, sang quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất – kinh doanh trong khuôn của một tổ chức hạch toán kinh tế. Thời điểm này, cơ chế hoạt động của Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ, theo hướng mô hình doanh nghiệp Nhà nước, phi hành chính hóa theo xu thế chung của cả nước (sau khi đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI bắt đầu được triển khai).
Trong giai đoạn 1990-2006, Ngành Dầu khí Việt Nam có những bứt phá về mô hình tổ chức và hoạt động, trở thành một tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trước yêu cầu phát triển mới, ngày 29-8-2006, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ra đời. Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn đầu Tập đoàn triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến 2025, theo Kết luận số 41-KL/TW ngày 19-01-2006 của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 09-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 50 năm qua, các thế hệ người làm công tác dầu khí Việt nam luôn ý thức được trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân, vượt mọi khó khăn, không ngừng lao động sáng tạo, từng bước xây dựng ngành Dầu khí trưởng thành và đã gặt hái được nhiều thành công. Hôm nay, chúng ta có thể tự hào thưa với Bác và  báo cáo với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước: Niềm tin và ý chí của Bác Hồ về dầu khí đã trở thành hiện thực. Trong số nhiều thành công đã đạt được trong 50 năm qua có 7 thành tựu to lớn nhất, nổi bật nhất làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam đó là:
Thứ nhất: Tập đoàn đã xây dựng được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò – khai thác dầu khí đến vận chuyển chế biến, lọc hóa dầu, góp phần xứng đáng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Từ chỗ không có dầu khí, đến nay Tập đoàn đang khai thác 25 mỏ dầu khí (trong đó: ở trong nước 20 mỏ và ở nước ngoài 05 mỏ).
Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại với nhiều hệ thống thăm dò khai thác dầu khí nổi trên biển; 03 hệ thống đường ống dẫn khí biển – bờ; 04 Nhà máy điện khí đã đưa vào vận hành đóng góp 15% năng lượng điện quốc gia; Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang sản suất 800.000 tấn urê/năm đóng góp gần 40% nhu cầu cả nước; Nhà máy Lọc dầu Dung quất biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam đã đi vào hoạt động cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Một hệ thống cơ sở căn cứ dịch vụ kỹ thuật, bến cảng xây lắp dầu khí mạnh được hình thành. Tất cả đã tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh.
Thứ 2: Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho Ngân sách, cho phát triển kinh tế đất nước:
Tập đoàn luôn duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm; Tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 250 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản toàn Tập đoàn 525 nghìn tỷ đồng; Những năm gần đây Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đóng góp 25-30% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Thứ 3: Tập đoàn Dầu khí là Tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Đến nay Tập đoàn đã có hợp tác và đang triển khai thực hiện 18 hợp đồng dầu khí tại 14 nước. Từ năm 2006 Tập đoàn đã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ nước ngoài. Các dự án trọng điểm đang được Tập đoàn tích cực triển khai tại LB Nga, tại Algiêria, tại Venezuela.
Thứ 4. Tập đoàn đã xây dựng đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, có trình độ cao, với số lượng trên 50 nghìn lao động, trong đó trên 2.500 người có trình độ trên đại học, trên 25.000 người có trình độ đại học, trên 20.000 công nhân lành nghề. Đây là vốn quý của Tập đoàn đang được phát huy, đang làm chủ các hoạt động dầu khí trong và ngoài nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Thứ 5. Tập đoàn đã thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là một trong số các công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tập đoàn đã thực sự là nòng cốt là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Nghi Sơn – Thanh Hoá.
Các sản phẩm chủ yếu của Tập đoàn: dầu, khí, điện, đạm v.v. đang góp phần tích cực bình ổn thị trường trong nước. Những đóng góp vào Ngân sách Nhà nước hàng năm của Tập đoàn đang là một công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng của Chính phủ.
Thứ 6.         Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới Quốc gia:
Thứ 7. Tập đoàn Dầu khí đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội:
Trong giai đoạn 2006-2010, toàn Tập đoàn thực hiện công tác an sinh xã hội tổng số tiền gần 2.000 tỷ đồng; Năm 2011 Tập đoàn đăng ký 600 tỷ đồng và dự kiến thực hiện cả năm đạt 715 tỷ đồng (vượt so với cam kết 115 tỷ đồng).

Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, sản xuất vượt mức các sản phẩm dầu, khí, điện, đạm.  
Đặc biệt Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu của cả năm, về đích trước thời gian 3 tháng 04 chỉ tiêu: gia tăng trữ lượng dầu khí, tổng doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Dự kiến cả năm Tập đoàn sẽ nộp ngân sách 155 ngàn tỷ đồng, vượt 55 ngàn tỷ đồng (tương đương vượt 2,7 tỷ USD) so với kế hoạch.
Với kết quả trên, có thể khẳng định Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam 10 tháng qua đã quyết liệt đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, là đơn vị tiên phong và thực hiện tốt nhất Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Vững bước vào tương lai
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện nay là một Tập đoàn kinh tế mạnh - đoàn kết. Có được những kết quả, thành tích trên là do Tập đoàn luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ, bao dung của nhân dân cả nước, công sức của bao thế hệ đi trước: những người lãnh đạo vững vàng, năng động, sáng tạo, tập thể cán bộ, công nhân trình độ cao, trí tuệ cao.
Các thế hệ dầu khí tiếp theo kiên quyết không tự mãn với kết quả đạt được, không được phép làm phai mờ, làm xấu đi hình ảnh đáng quý đó, mà có trách nhiệm đồng tâm hiệp lực, phát huy thế mạnh, vun đắp thêm, làm sáng lên hình ảnh Dầu khí Việt Nam, tiếp tục xây dựng Tập đoàn Dầu khí ổn định và tiến lên phát triển bền vững.
Trong giai đoạn tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, triển khai Nghị quyết TW 3 (khóa XI) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là tổ chức thực hiện thắng lợi của chiến lược tăng tốc phát triển, với 5 nhiệm vụ cốt lõi:
Thứ nhất: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí
Thứ hai: Lọc hóa dầu
Thứ ba: Công nghiệp khí
Thứ tư : Công nghiệp điện
Thứ năm: Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
          Trong đó công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là trọng tâm cốt lõi nhất trong các lĩnh vực cốt lõi. Phát hiện được một mỏ mới, đưa một mỏ mới vào khai thác là tạo được một bước nhảy vọt mới của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhiều mỏ mới sẽ tạo ra nhiều bước nhảy vọt mới, kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển.
          Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ trương đẩy mạnh Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, cả trong nước và nước ngoài. Trong nước, bên cạnh khu vực truyền thống, Tập đoàn phát triển ra khu vực mới: nước sâu xa bờ. Ở nước ngoài, Tập đoàn xác định địa bàn hoạt động: Liên bang Nga, các nước SNG: Uzbekistan, Azerbaijan, Kazakhstan; Khu vực châu Mỹ Latinh: với trung tâm Venezuala; Khu vực châu Phi, Đông Nam Á.
Để thực hiện thắng lợi Chiến lược tăng tốc, Tập đoàn  sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện thành công ba giải pháp đột phá: Giải pháp về con người;  Giải pháp về khoa học công nghệ; Giải pháp về quản lý.
Trong ba giải pháp đột phá đó Tập đoàn sẽ dành nhiều thời gian, nhiều công sức cho giải pháp về phát triển nguồn nhân lực. Chăm lo đến con người, chính là chăm lo đến yếu tố quan trọng nhất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập đoàn triển khai chương trình đào tạo để vừa đáp ứng nhu cầu cán bộ cho giai đoạn trước mắt, đồng thời chuẩn bị xây dựng lực lượng lâu dài; Đào tạo đồng bộ cả ba loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành và cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh, để đáp ứng ba mục tiêu: Hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp; Hướng ra thế giới; Hướng tới tương lai.
Đồng thời với đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Tập đoàn tiếp tục và kiên trì xây dựng nền tảng Văn hóa Dầu khí: Vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang mầu sắc dầu khí. Văn hóa Petrovietnam xây dựng:
          Là Đoàn kết - Kỷ cương,
          Là Chất lượng - Hiệu quả,
          Là An toàn - Chắc chắn,
          Là Nhân ái - Trách nhiệm,
          Vì PVN phát triển bền vững,
          Vì Tổ quốc Việt Nam phồn vinh.
Trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh thuận lợi, Tập đoàn cũng nhận thấy những khó khăn, phức tạp: Các dự án của Tập đoàn nhiều, có dự án khó, có nhiều dự án lớn, nhu cầu vốn tăng cao trong giai đoạn 5 năm tới; Nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt các mỏ lớn, ngày càng khan hiếm, phải tìm nơi xa hơn, nước sâu hơn, điều kiện địa chất phức tạp; Đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn hơn trong điều kiện cnh tranh quốc tế quyết liệt v.v.
Có khó khăn, có phức tạp, tuy nhiên thuận lợi là cơ bản. Là Tập đoàn có tiềm lực mạnh với truyền thống 50 năm, đơn vị Anh hùng, bên trên, Tập đoàn được Đảng – Nhà nước tin tưởng; bên ngoài, Tập đoàn được nhân dân cả nước giúp đỡ; bên trong, với phương châm đồng tâm hiệp lực chắc chắn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện lời mong ước của Người, toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí  Quốc gia Việt Nam: lấy đồng tâm hiệp lực làm tiền đề, lấy đổi mới mọi mặt và xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, đầu tư kỹ thuật mạnh làm phương tiện, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhanh mạnh và bền vững

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

VÌ MỘT THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH ...


 Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 22-11-2011)

An ninh năng lượng là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc gia. Ổn định hệ thống điện, quản lý và thực hiện tốt qui hoạch nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, có dự trữ hợp lý, hạn chế các sự cố mất điện và đảm bảo chất lượng điện… là những vấn đề quan trọng mà Đảng và Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm.
Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2
PHÁT HUY NỘI LỰC
  Nhận thức rõ tầm quan trọng và yêu cầu đặc biệt của Chính phủ về vấn đề an ninh năng lượng, vào tháng 5/2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN với lợi thế và vai trò của một tập đoàn đầu tàu kinh tế của đất nước đã thành lập Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power). Sự ra đời của PV Power là nhằm phối hợp với Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực đảm bảo tốt chương trình an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế đất nước và phục vụ đời sống nhân dân.  Với mục đích này, thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí đã và đang nỗ lực phát triển PV Power thành nhà sản xuất và cung cấp điện hàng đầu VN, cung cấp điện với chất lượng ổn định cao nhất. Tập đoàn Dầu khí cũng đặc biệt coi khí điện là ưu thế của ngành, đầu tư nhiệt điện than công suất lớn để tạo lập thị phần, đầu tư thủy điện và năng lượng tái tạo để làm mũi nhọn đột phá nhằm thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam…
  Có thể nói, chỉ trong vòng hơn bốn năm kể từ ngày thành lập, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí, PV Power đã hoàn toàn tự chủ về tài chính, tổ chức thành công việc thu xếp vốn trong và ngoài nước, tổ chức thi công xây dựng các dự án điện mà điển hình nhất Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 đã hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn và đưa vào vận hành thương mại. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 vào ngày 12-11 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều dự án điện thuộc Tổng sơ đồ điện VI bị chậm tiến độ, thì thành công của dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 là tấm gương sáng về sự nỗ lực hết sức mình của Tập đoàn Dầu khí, đó cũng chính là thành công của mô hình xã hội hóa đầu tư nguồn điện nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước”.
  Thực tế cho thấy, đặc thù đầu tư phát triển các dự án nguồn điện mới luôn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Ðể thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển nguồn điện mà Chính phủ giao, thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí đã phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, tập hợp các nguồn lực của các tập đoàn kinh tế, tăng cường huy động vốn đầu tư toàn xã hội và hợp tác quốc tế thực hiện thành công dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 với công suất 750 MW và tổng mức đầu tư lên tới trên 13 nghìn tỷ đồng, đưa nhà máy vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia, góp phần cung cấp trên 4,5 tỉ kWh điện/năm cho lưới điện quốc gia.
  Lãnh đạo PV Power cho biết, không chỉ Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2, hoạt động kinh doanh của PV Power ngày càng có hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận hàng năm đều tăng. Theo đó, năm 2010 vừa qua, doanh thu của PV Power đạt hơn 15.200 tỷ đồng, và trong năm 2011, PV Power phấn đấu sản xuất điện đạt 12,519 tỷ kwh điện. Hiện nay, PV Power đang tiếp tục phát huy nội lực để nâng cao sản lượng điện tại các Nhà máy Điện Cà Mau 1, Điện Cà Mau 2, Điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Thủy điện Nậm Cắt,  Phong điện Phú Quý... Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác đầu tư tại các nhà máy điện khác như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Đăckđrinh, Thủy điện Luang Prabang, Phong Điện Hoà Thắng-Bình Thuận, Phong điện Ninh Thuận… Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, PVPower đã và đang tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực để tham gia thị trường điện cạnh tranh. Đến nay các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý, các quy định về chào giá, xác định giá và hệ thống thông tin đã được hoàn tất, sẵn sàng tham gia khi thị trường cạnh tranh chính thức vận hành.
MỞ RỘNG ĐẦU TƯ, GIA TĂNG SẢN LƯỢNG CHO LƯỚI ĐIỆN QUỐC GIA
  Cũng theo lãnh đạo PV Power, với mục tiêu trở thành Tập đoàn Năng lượng mạnh của Việt Nam và khu vực, hướng tới sản xuất nguồn điện chất lượng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, PV Power đã xác định trọng tâm phát triển của mình là đột phá, tiên phong trong đầu tư các nguồn năng lượng sạch.  Phát triển ngành điện lực dầu khí trên cơ sở các nguồn tài nguyên trong nước, đồng thời tích cực mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực. Trước tiên là Lào, sau đó tới Campuchia và thị trường khác như Châu Á, Nam Mỹ… góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, và vì sự phát triển bền vững của đất nước.   Trong đó, việc phát triển công nghiệp điện luôn được ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch phát triển của PV Power, phấn đấu đứng thứ hai toàn quốc về cung cấp điện. Ưu tiên phát triển sản xuất kinh doanh nhiệt điện khí nhằm mục đích sử dụng tối đa và hiệu quả nguồn khí do Tập đoàn Dầu khí cung cấp. Phấn đấu đến 2015 và định hướng đến 2025, PV Power luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng nhiệt điện khí.
  Mặc dù sản lượng nhiệt điện than của PV POWER sẽ chỉ thực sự được nâng lên từ năm 2016, nhưng PV Power vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đứng thứ hai toàn quốc về nhiệt điện than.  Từ năm 2011, PV Power cũng sẽ đầu tư mạnh vào thuỷ điện nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 sẽ đứng thứ hai toàn quốc về thuỷ điện, đứng đầu toàn quốc về đầu tư thuỷ điện ra nước ngoài như Lào, Campuchia… Đối với lĩnh vực điện nguyên tử, ngay từ bây giờ, PV Power đã đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, mạnh mẽ bắt tay vào ngay công tác chuẩn bị để có cơ hội sớm tham gia vào xây dựng các dự án nhà máy điện nguyên tử. Ngoài việc tập trung vào phát triển đầu tư các nhà máy dự án sản xuất điện, trong thời gian tới, PV Power sẽ tập trung vào các hoạt động dịch vụ liên quan như: Tham gia vào lĩnh vực truyền tải và phân phối điện, chuẩn bị thành lập công ty bán điện, công ty kinh doanh bán lẻ điện để tham gia vào thị trường  điện cạnh tranh…

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

"THIÊN ĐƯỜNG HẠ GIỚI" (CỬU TRẠI CÂU-TRUNG QUỐC 11-2011)

Giao mùa Thu-Đông với thảm lá chuyển sắc màu vàng rực, đỏ thắm, những ngọn thác trắng xóa và  làn nước xanh thẳm, trong vắt tận đáy hồ... đã góp phần tô vẽ thêm nét đẹp cho "Thiên đường hạ giới" - Cửu Trại Câu (Tứ Xuyên-Trung Quốc), đúng như những gì mà từ lâu Snow đã từng được nghe về khu danh lam thắng cảnh tuyệt vời này, thế nhưng mãi đến tháng 11-2011 này Snow mới có dịp được đến thăm. Quả là "trăm nghe không bằng một thấy", Cửu Trại Châu khiến Snow cứ ngỡ ngàng như mình đang lạc giữa một chốn "bồng lai tiên cảnh" ...






Ý nghĩa của địa danh Cửu Trại Câu có nghĩa là 9 cái trại của người Tạng. Quần thể thác cao hơn 2000 - 3000 mét so với mực nước biển và hệ thực động vật phong phú, nơi đây là địa điểm vô cùng hấp dẫn với bạn bè năm châu. Được tạo nên bởi thể đối xứng hình chữ Y với ba con câu (con kênh) là Nhật Tắc Câu, Tắc Tra Oa Câu và Thụ Chính Câu nên Cửu Trại Câu là một không gian đa chiều, đa sắc, đa âm. Bước chân đến vùng đất này, du khách bắt gặp ngay Thụ Chính Câu được ví như chiếc cổng chào đưa du khách vào hành trình khám phá. Thụ Chính Câu có chiều dài 13,8 km bao gồm 40 bến nước chiếm 40% số bến toàn Cửu Trại Câu. Chỉ mới mở màn hành trình thôi mà ta đã thấy một mặt nước trong vắt, xuyên suốt xanh thăm thẳm. Khắp không gian ngập tràn tiếng gió ngân vang, tiếng chim lảnh lót… và cứ thế suốt dọc đường đi cảnh nối cảnh như trong chuyện thần thoại hay bức tranh thủy mặc. Điều khiến người ta bất ngờ nhất chính là đoạn cuối trong quần thể thác: Hồ Thuỷ Cung, sâu 40 – 50 mét. Nhìn từ xa ngỡ như lòng hồ nhấp nhô gợn sóng, lại gần mới hay tĩnh lặng như tờ. Cách chỗ sâu nhất của lòng hồ khoảng 10 mét, là các bờ kè cát trắng óng ánh trong sắc nắng đầu thu, giống như mình con rồng dát bạc dang phơi nắng. Khi gió khẽ lướt nhẹ qua hàng cây, người ta liên tưởng đến ngay con rồng đang uống nước. Mặt hồ xao động nhịp nhàng, rừng lá phong, tùng, trúc ngập tràn sắc đỏ, vàng, cam, tím bạc thỏa mình soi bóng. Rời cổng chào một đoạn rất xa, bạn sẽ tiến vào thẳng “trái tim” Cửu Trại Câu với thác Nặc Nhật Lãng, hồ Kính, hồ Trân Châu, hồ Ngũ Hoa, thác Gấu Trúc, hồ Gấu Trúc, hồ Rừng Trúc... Có thể nói, nơi đây lắng đọng tất cả những tinh hoa của Cửu Trại Câu...




Snow Autumn

"NGHỆ THUẬT NÓI XẤU”

    Trong những lúc “trà dư tửu hậu” và những lúc rảnh rỗi, ngồi tán gẫu với nhau, thể nào giới chị em cũng bình luận về một đối tượng vắng mặt nào đó. Thông qua việc “bình luận” này, nhiều chị em tranh thủ nói xấu luôn cả đối tượng mà mình ganh ghét. Các chiêu thức nói xấu của họ thì thật là kinh khủng, còn cách thức dựng chuyện của họ thì phải nói là đã đạt đến mức độ siêu đẳng về “nghệ thuật”. Xin được kể ra đây vài câu chuyện mà chúng tôi thu lượm được từ thực tế, và từ những thông tin do bạn đọc cung cấp. Điều chúng tôi lưu ý là trong rất nhiều các câu chuyện mang mục tiêu nói xấu thường được nguỵ trang rất kỹ, khiến cho người nghe không hề biết dụng ý nói xấu của người trong cuộc.

Ví như, vì thấy V được sếp quý mến, H  bạn V, vốn có thói đố kỵ với bạn nên rất bực mình. H nung nấu ý định bêu diếu, nói xấu V với sếp. Thế nhưng để tránh tiếng là bạn thân mà sao đi nói xấu nhau, H thường bắt đầu bằng câu: “Em thấy nhỏ V dễ thương, tốt bụng, vậy mà không hiểu sao em nghe mọi người  (hoặc chị A, anh B) cứ nói xấu nó, chê nó là… (thế này, thế nọ)”. Trên thực tế chẳng có “chị A, anh B” nào chê V cả, còn những chuyện “thế này, thế nọ” chỉ là những chuyện do chính H tự sáng tác, dựng lên để nhằm mục đích hạ bệ bạn mình mà thôi.


  Một chuyện khác, thấy sếp T thân thiết với N, muốn cho sếp ghét bỏ cô này,  một cô trong số họ bèn dựng chuyện nhắn tin cho sếp: “Trời ơi, em với anh đâu có gì đâu mà nhỏ N nó đi nó nói với mọi người em là bồ anh! Em bực lắm nhưng em không thèm đôi chối với nó, chỉ phức tạp, bực mình thêm. Nó đúng là một đứa nhiều chuyện, anh hãy cảnh giác nó nghe anh…”. Nghe thông tin này, sếp T bỗng dưng quay ngoắt 180 độ, cắt mọi liên lạc, giao lưu nói chuyện với với N khiến N cứ ngẩn ngơ không biết lý do vì sao sếp lại đối xử với mình như thế.

     Hoặc thấy sếp K vừa mới chớm có cảm tình với cô Y, tức tối muốn hạ bệ Y, cô X-một “Fan” của sếp K bèn tung tin, đơm đặt: “Cô Y này á, đã có một đời chồng, ly dị rồi nên cặp hết anh này, anh kia, đẹp đẽ gì đâu, chỉ được cái dáng thôi, chứ mặt mũi thì chẳng có nét gì, càng nhìn càng thấy vô duyên…”. Sếp K nghe chuyện, mất hết hứng thú, cảm tình dành cho Y, bỗng nhiên biến mất sạch sành sanh…

   Đề cập đến “nghệ thuật” nói xấu, C- một độc giả trẻ của báo vừa điện thoại kể cho tôi nghe một câu chuyện vừa xảy ra với chính cô ấy, khiến cô  ấy thật sự đau buồn, không biết phải giải bày thế nào khi mà chính vị thủ trưởng cơ quan còn mắc mưu một  nhóm người chuyện có thói đố kỵ, tung tin, bịa đặt để hại người ngay trong cơ quan. Theo C, vốn là một người có năng lực, có trách nhiệm, làm việc hiệu quả cao nên C được lãnh đạo công ty chú ý, quan tâm, chuẩn bị đề bạt vào một vị trí trưởng một phòng ban then chốt. Thủ trưởng đơn vị cũng đã có một đôi lần gọi C lên trao đổi bàn bạc và căn dặn là đừng “bô lô bô la” ra bên ngoài trước, không hay. Thế nhưng, không hiểu sao, thông tin C sắp được đề bạt làm trưởng ban nhanh chóng lan truyền khắp công ty. Một kẻ ác miệng còn chạy lên thủ trưởng nói rằng: “Anh biết không, cô C chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, cô ấy  khoe khoang khắp nơi là anh sắp bổ nhiệm cô ấy lên làm trưởng phòng. Cô ấy còn hăm doạ là khi lên làm trưởng ban sẽ trị ngay những người không hợp, có đúng là C sắp làm trưởng phòng không anh?”. Nghe vậy, thủ trưởng cơ quan của C rất bực mình, gọi C lên mắng một trận xối xả, không cho thanh minh và bỏ luôn cả ý định bổ nhiệm, đề bạt C.

  Thật lòng, nghe những câu chuyện trên, tôi bỗng dưng thấy ghê sợ thế giới đàn bà. Sự đố kỵ, ganh ghét nhau dường như đã làm họ trở nên điên rồ, kệch cỡm, và họ bỗng chốc trở thành những con rối xấu xa trong mắt những người biết chuyện, thông minh và tỉnh táo… Một bạn đọc khác, đề nghị tôi  khi viết bài này nên có kết luận lưu ý là: tất cả mọi người, không kể gì các sếp cần phải hết sức cảnh giác trước những câu chuyện mang mục tiêu nói xấu một ai đó. Cần phải biết phân tích tình hình, cần phải hiểu người đi nói một câu chuyện không tốt đối với người khác là nhằm mục đích gì? Tại sao họ lại nói như thế? Và khi nghe thông tin thì cũng cần phải kiểm chứng lại  từ chính người bị nói xấu, phải nghe thông tin từ nhiều chiều để có những nhận xét, đánh giá con người một cách khách quan, chuẩn xác, tránh đừng để mình rơi vào cái bẫy của những người có thói ganh ghét, đố kỵ, chuyên đi dựng chuyện để  hại người.

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 2-2008)

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

NGƯỜI TIÊN PHONG CỦA NGÀNH KHOAN DẦU KHÍ

PV DRILLING - NGƯỜI TIÊN PHONG CỦA NGÀNH KHOAN DẦU KHÍ

 S.Nâu (SGGP 16-11-2011)

 Tối ngày 14-11-2011, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng. Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định sự phát triển vững mạnh trong bối cảnh hiện nay của PV Drilling nói riêng và của cả ngành dầu khí VN nói chung.
 
  
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tăng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho ban lãnh đạo PVDrilling

Thực tế cho thấy, sau gần 20 năm đổi mới và phát triển, ngành dầu khí VN đã và đang thực sự trở thành đầu tàu kinh tế của đất nước, giữ một vị trí vững chắc trong cán cân xuất khẩu và là nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia. Cùng với sự phát triển thành công của ngành dầu khí, kể từ năm 2001, PV Drilling - với tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí biển PTSC Offshore - cũng đã trở thành một nhà thầu cấp vùng, chuyên cung cấp dịch vụ dầu khí tại VN và các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bước ngoặt lớn của PV Drilling là việc đầu tư các giàn khoan biển PV Drilling I và phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, tạo tiền đồ cho PV Drilling có bước phát triển nhảy vọt vào năm 2007. Bởi lẽ, khi các giàn khoan được đưa vào sử dụng với hiệu suất cao nhất, chúng không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn tạo dựng niềm tin để PV Drilling thực hiện tốt những mục tiêu chiến lược của mình. Đặc biệt, vào ngày 05/12/2006, cổ phiếu của PV Drilling đã được niêm yết tai Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và từ năm 2010, vốn điều lệ của PV Drilling là 2.105.082.150.000 đồng. PV Drilling được đánh giá là một công ty blue chip của thị trường chứng khoán VN và cũng là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất trong ngành dầu khí hiện nay.
  Mới đây, giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) của PV Drilling cũng đã được làm lễ đặt tên chính thức là PV Drilling V vào ngày 01/10/2011 sau chuyến viếng thăm giàn khoan này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp đi công tác tại Singapore. Dự kiến, giàn khoan PV Drilling V này sẽ được tiếp nhận và triển khai cung cấp dịch vụ khoan cho Công ty Dịch vụ Dầu khí Biển Đông POC, mở ra một giai đoạn mới trong việc cung cấp và vận hành giàn khoan công nghệ nước sâu, hứa hẹn nhiều thử thách và thành công trong tương lai của ngành dầu khí VN.
    Trao đổi với báo chí, lãnh đạo PV Drilling cho biết, với tầm nhìn: “Trở thành một nhà thầu khoan và cung cấp dịch vụ kỹ thuật khoan dầu khí có uy tín và tin cậy tầm cỡ quốc tế”, PV Drilling đã và đang nỗ lực phấn đấu hết sức mình để trở thành nhà thầu khoan và cung cấp dịch vụ kỹ thuật khoan dầu khí hàng đầu trong khu vực, tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng bằng những dịch vụ chất lượng cao và giá thành cạnh tranh…
     Có thể nói, với tiềm năng và những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, hiện nay, PV Drilling tự hào là “Người Tiên phong của Ngành Khoan Dầu khí Việt Nam”, cung cấp các dịch vụ khoan dầu khí hoạt động cả ngoài khơi và trong đất liền, phục vụ cho các dự án do Tập đoàn Dầu khí VN đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài. Với hệ thống thiết bị hiện đại tối tân và đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, PV Drilling đã ngày càng phát triển và mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty và khách hàng trong các lĩnh vực sau: Dịch vụ khoan dầu khí,  cho thuê-vận hành thiết bị khoan, thử vỉa - địa vật lý - xây đường ống dẫn dầu, cung cấp nguồn nhân lực  bao gồm kỹ sư đoàn -giám sát, lắp đặt, giám sát, thi công, cung cấp thiết bị - bảo hành bảo trì hệ thống khoan, sản xuất - cung cấp các vật liệu, thiết bị ngành dầu khí và xử lý các sự cố tràn dầu …
  
Box:
  *Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) được thành lập vào tháng 11 năm 2001, với tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí biển PTSC Offshore - nơi các dịch vụ ban đầu như dịch vụ cho thuê thiết bị khoan, dịch vụ ứng cứu sự cố dầu tràn và xưởng cơ khí đã được hình thành và phát triển kể từ năm 1994. Trải qua quá trình hình thành và phát triển của mình, PV Drilling đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và xây dựng nên nhiều loại hình dịch vụ kỹ thuật mới, để tham gia vào hầu hết các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như dần phát triển ra thị trường thế giới. Khách hàng của PV Drilling là các Công ty và Tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Cửu Long - Conoco Philips, Hoàng Long JOC, Hoàn Vũ JOC, Vietsovpetro, BP, Conoco, JVPC-Nippon Oil, PVEP, OMV, Petronas, Chevron, Premier Oil, KNOC, Vietgazprom, Thăng Long JOC, Lam Sơn JOC, Trường Sơn JOC…
     *Ước tính 9 tháng đầu năm 2011, PV Drilling đạt 6.450 tỷ đồng doanh thu và 820 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng hoàn thành 80,6% và 91,1% so với kế hoạch năm đề ra. Đạt được kết quả này chủ yếu do PV Drilling vẫn duy trì hoạt động ổn định của các giàn khoan theo đúng kế hoạch và mở rộng cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Theo đó, 2 giàn khoan thuê Topaz Driller và Offshore Resolute cung cấp dịch vụ cho Phú Quý POC và BHP Billiton đã kết thúc thành công chiến dịch khoan của khách hàng vào giữa quý 3; đồng thời 2 giàn khoan khác là Aquamarine Driller và Key Hawaii cũng được thuê để cung cấp cho Salamander và PVEP POC Hồng Long. Các giàn khoan sở hữu vẫn hoạt động ổn định với hiệu suất trên 98% bên cạnh việc tiếp tục tăng trưởng kinh doanh của các dịch vụ khác.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

NÔNG DÂN XUẤT NGOẠI: ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG-HỌC MỘT SÀNG KHÔN

Nguyễn Thu Tuyết (SGGP 2-11-2011)
Sau thành công của các chuyến đưa nông dân đi tham quan, học tập tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan… những năm trước; năm nay Công ty CPPB Bình Điền tổ chức đưa gần 100 nông dân và cán bộ khuyến nông của 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long đi tham quan, học tập tại Viện lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines (ảnh).
Gọi là đi tham qua du lịch nước ngoài nhưng thực chất là làm việc. Hai phần ba quỹ thời gian của 4 ngày, 4 đêm tại Philippines của đoàn là nghe giảng bài, gặp gỡ các nhà khoa học nghiên cứu về lúa hàng đầu thế giới và giao lưu với bà con nông dân ngay tại cánh đồng trồng lúa của họ.
Đặt câu hỏi cô bác thu lượm được gì sau chuyến đi? Ông Lữ Văn Nghệ, ở ấp An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh hồ hởi: “Được, nhiều chớ. Tui thấy cái viện lúa này họ làm ăn bài bản lắm. Họ lưu giữ được những giống lúa mà ta đã bỏ từ vài chục năm nay, rồi lai tạo ra những giống lúa mới tốt hơn. Họ luôn hướng tới cái đích là giúp cho người nông dân thoát nghèo, tui “chịu” họ ở cái chỗ này. Xuống ruộng thăm nông dân Phi… thì tui thấy cái ý thức bảo vệ môi trường của họ rất tốt. Họ rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Họ không xả rác, nhất là rác thải của thuốc BVTV ra bờ ruộng, lòng kênh. Nông dân họ được nhà nước bảo hiểm khi thất mùa do thiên tai, tất nhiên họ cũng phải bỏ tiền ra đóng góp qua từng vụ, nhưng cái này hay. Qua đây thấy sản xuất lúa của mình cao hơn bạn một bậc, tui mừng và tự hào hết sức; tuy vậy mình cũng tìm ra được nhiều cái hay từ họ mà học. Quả đúng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Ông Dương Văn Khai ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nói: “Họ tổ chức ra cái hợp tác xã ở cấp huyện. Một huyện có nhiều HTX.HTX mà tụi tôi đến thăm có tiến sĩ nông nghiệp phụ trách. Ở đó có phòng thí nghiệm, người dân đem đất ruộng lúa sau thu hoạch nhà mình tới, người ta phân tích chất đất để tư vấn cho mình vụ tới bón phân ra sao, cho “ngon”. HTX có quỹ tín dụng, do các hộ nông dân đóng góp, dùng để cho nông dân vay sản xuất với lãi suất rất thấp, hoặc hỗ trợ một phần cho người dân gặp hoạn nạn. Nhà nước hỗ trợ 50% tiền mua lúa giống, đôi khi cho không một số thuốc BVTV. Tôi thấy lạ là ở đây chỉ có sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ xít đen, tịch không có rày nâu phá lúa. Tôi rất “chịu” cái bảo hiểm cho nông nghiệp và nông dâ n của họ”.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ nhìn nhận: “IRRI có chiến lược khai thác tài nguyên một cách bền vững, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tăng lợi nhuận cho người nông dân bằng áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Chuyến đi giúp nông dân có cơ hội tiếp cận với các nhà khoa học, mở mang được tầm nhìn, tự hào với những gì Việt Nam đã làm được, đồng thời thấy cái mình làm còn chưa tốt để khắc phục, hướng tới làm tốt hơn…”.
Thăm một câu lạc bộ trồng lúa, như một tổ hợp tác sản xuất ở Phi…, ông Kim Xai Hun, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, một nông dân người Việt gốc Khơ-me đã tự đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất, quy tụ hơn 70 hộ nông dân trồng lúa, góp được 130 ha, làm một cánh đồng mẫu.
Ông Hun chia xẻ : “Nhà mình có nhiều ruộng, 10 mẫu, mình đứng ra tập hợp bà con cùng làm với mình, mình phải lo, phải đi trước, có lúc phải bỏ tiền ra trả trước giùm bà con có khó khăn tiền công cày, công gặt… Nhưng do làm lớn hợp đồng được với những công ty cung ứng vật tư uy tín nên giá tiền công cày, tưới nước, gặt đập… thường rẻ hơn làm riêng lẻ từng hộ; lại được Công ty phân bón Bình Điền cung cấp phân bón trả chậm, không tính lãi, Công ty Phú Thịnh bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch nên bà con tham gia với mình “khỏe re”. Năng suất, lợi nhuận của mình hơn đứt anh Phi… rồi. Một năm mình làm 3 vụ, thu lãi ròng hơn 70 triệu đồng/ha, trong khi họ làm 2 vụ, chỉ lãi hơn 10 triệu đồng/ha. Tuy vậy, mình cũng phải học tập họ nhiều thứ, như lập quỹ tín dụng nông nghiệp, bảo hiểm sản xuất, không lạm dụng thuốc BVTV… Cái quỹ tín dụng vừa qua mình cũng đã có làm, mình tự bỏ tiền ra và quyên góp được hơn 200 triệu đồng, làm được mấy cây cầu thô sơ, sửa được mấy đoạn đường để bà con ra ruộng cho thuận tiện; nhưng còn “hẻo” quá. Tới đây phải tính tiếp cách gì cho cái quỹ này lớn hơn, hiệu quả hơn; cũng rất cần sự chi viện của nhà nước.
Chia xẻ với ông Hun, tiến sĩ Phạm Văn Dự, cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT nói: “Cánh đồng mẫu lớn ta làm vừa qua ở miền Tây đã khẳng định được hiệu quả, không chỉ kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Tôi nghĩ đã tới lúc nhà nước  quan tâm đến cái này. Nhà nước cần có chiến lược đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Bỏ tiền đầu tư để sử dụng cho hàng chục, thậm chí vài chục năm sau nên cái lợi là rất lớn. Chuyến đi này rất bổ ích, cho cả nhà khoa học, nhà quản lý nông nghiệp và người nông dân. Chúng ta học tập được nhiều về chiến lược phát triển của IRRI, đó là chiến lược bảo đảm an ninh lương thực cho toàn thế giới; sự gắn kết các chương trình trong chuỗi hoạt động như tiết kiệm phân bón, nước tưới, khắc phục sâu bệnh, bồi dưỡng đất đai, bảo quản sau thu hoạch, ứng phó kịp thời và hiệu quả với biến đổi khí hậu… tất cả nằm trong chỉnh thể phát triển không chỉ cho một năm, mười năm, mà hàng trăm năm sau…”.
Ông Dự thở dài: “Người nông dân nước ta đất ít, làm ăn manh mún, rất dễ bị đổ vỡ do thiên tai, dịch bệnh; nhìn chung họ còn nghèo khó lắm…”.
Tôi chợt nhớ tới câu nói của ông Nghệ ở Bến Cầu, Tây Ninh: “Nhà nông tụi tui làm gì có tiền để đi tham quan, du lịch nước ngoài như vầy. Vả có lo được tiền mà đi du lịch tự do thì cũng đâu có được cái sự bổ ích như chuyến đi này. Nhờ có Công ty phân bón Bình Điền…”.
Phải rồi, nhà nước làm sao lo hết được mọi việc, cho hết được mọi nhà; doanh nghiệp phải vào cuộc thôi. Những cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà, sản xuất bền vững theo hướng GAP, trong đó nhà nào cũng được hưởng lợi; nhưng được nhiều nhất rõ ràng  là nhà nông. Người nông dân sẽ phải có, phải được nhiều thứ bởi những đóng góp của mình cho xã hội. Đó là cái lẽ công bằng mà Đảng ta đang cố công xây dựng. Tôi chia sẻ sâu sắc với nỗi niềm của ông cục phó Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư. 

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

KHOE CON GÁI YÊU ...

MỪNG CON GÁI YÊU TRÒN 10 TUỔI
*Con gái yêu ơi, ngày 11-9-2001, tức cách đây vừa tròn 10 năm, tại thành phố New York của nước Mỹ, Bin Laden đã tấn công khủng bố làm sụp đổ tòa tháp đôi hùng vĩ. Cùng thời gian này tại TPHCM của Việt Nam, có một nàng công chúa được sinh ra...

*Mẹ nàng vì quá lo sợ trước những câu chuyện về nhân duyên tướng số nên đã không đặt cho nàng cái tên là Nguyên Anh như dự định, mà vội chọn cho con mình cái tên có 2 chữ Hiền Vy. Hiền Vy có nghĩa là bé nhỏ dịu hiền, chứ không phải ngang tàng, dữ dằn như  khủng bố... 
*10 năm trôi qua, công chúa Hiền Vy lớn lên xinh đẹp dịu hiền, đúng như điều mà mẹ nàng kỳ vọng ước mong... Hiền Vy ngoan ngoãn, học giỏi, thông minh và đặc biệt là có nhiều tài lẻ. Nàng đàn giỏi, hát hay, lắc vòng đẹp và bơi lội thì rất cừ khôi... 
*Năm nay Hiền Vy vào lớp 5 và hôm nay mẹ nàng đang tất bật chuẩn bị tiệc mừng sinh nhật cho con gái. Thiệp mời đã được công chúa gửi đến bạn bè khắp nơi và nàng đang khấp khởi chờ đón mọi người cùng đến để chung vui, và đặc biệt là để cùng quây quần bên nàng xem video clip dưới đây - món quà mà mẹ nàng tặng cho nàng nhân ngày con gái yêu tròn 10 tuổi... 
          Happy Birthday con gái nhé... 
 Cùng nhau thổi nến...
 Hiền Vy dạo một bản nhạc để chào mừng các bạn đến chung vui...
 Các bạn chăm chú nghe tiếng đàn thánh thót của Hiền Vy, bạn nào cũng có quà tặng Hiền Vy
nhân sinh nhật 10 tuổi


Hiền Vy trước sân nhà Nội dịp Tết Nhâm Thìn 2012


Hiền Vy trước sân nhà Ngoại dịp Tết 2012
Hiền Vy học Piano từ năm 4 tuổi
Hiền Vy năm 8 tuổi

Mẹ và Vy (11-2010)